Theo nhận định của báo Le Monde (Pháp) ngày 8/12, ở châu Âu, không ai muốn tin vào kịch bản đồng euro tan rã, nhưng tất cả đều đã chuẩn bị tinh thần. Sự tan rã của khu vực đồng euro “theo kiểu ghép hình” sẽ chia khối này thành hai nửa Bắc và Nam, hoặc tạo ra nhiều nhóm nhỏ hơn theo những kịch bản “kinh tế viễn tưởng”. Đây là vấn đề đặc biệt tế nhị nhưng không còn là “không thể tưởng tượng nổi” nữa.
Trong lịch sử quốc tế hiện đại, đã có bốn liên minh tiền tệ có quy mô và mức độ gắn kết khác nhau bị tan rã sau những biến động lớn về kinh tế, chính trị, xã hội. Đó là đế quốc Áo - Hung tan rã năm 1919; việc đóng cửa liên minh tiền tệ tại Mỹ năm 1932 - 1933 sau khi Cục Dự trữ bang Chicago từ chối cho bang New York vay tiền; sự sụp đổ của Liên Xô năm 1992 - 1993 đồng thời với việc chia cắt Tiệp Khắc thành hai nửa. Tuy nhiên, những biến động nói trên đều chưa đến mức gây đảo lộn nghiêm trọng cho kinh tế thế giới, và đây là điều khác biệt với khu vực đồng euro bởi sự sụp đổ của khu vực này sẽ là một “thảm họa tuyệt đối”.
Hệ lụy tồi tệ ở đây sẽ là sụp đổ dây chuyền, cảnh người gửi tiết kiệm hoảng loạn chạy khắp các nhà băng giống như những hình ảnh từng thấy ở Mỹ trong cuộc khủng hoảng năm 1929, tiếp đến là sự phá sản của hàng loạt ngân hàng. Tất cả bị đẩy vào cảnh bần cùng với sự suy thoái của kinh tế các nước…
Đâu là nguyên nhân khiến nhiều người châu Âu liên tưởng đến những kịch bản xấu như vậy? Câu trả lời là hàng loạt yếu tố tiêu cực đang diễn ra trong thời điểm hiện nay: Giới lãnh đạo chính trị châu Âu chậm chạp trong việc giải quyết khủng hoảng; Ngân hàng Trung ương châu Âu do quá chán nản trong việc giúp đỡ các nước “vô kỷ luật” về tài chính đã ngừng trợ giúp; nợ công của Italia đã gây ra những hành động đầu cơ tiêu cực. Theo đánh giá của giới phân tích kinh tế, nếu tỉ lệ cho vay đối với Italia giữ ở mức 9% trong vòng 10 năm, nước này chắc chắn sẽ không thể trụ vững khi lãi suất nợ lên tới 1.900 tỷ euro.
Hậu quả tiếp theo sẽ là cú rơi tự do không thể lường trước của các nền kinh tế khu vực euro. Có thể hình dung ra việc các nước sẽ quay tìm trở lại đồng tiền riêng trước đây của mình, chẳng hạn đồng mark của Đức, franc của Pháp… Điều này đồng nghĩa với việc các nước lớn ở Nam Âu sẽ phá giá đồng tiền của mình xuống 30 - 40% để giành lại sức cạnh tranh với các nước Bắc Âu, đồng thời giảm giá hàng xuất khẩu và nâng giá hàng nhập khẩu. Đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên là những người nội trợ bởi sức mua bị giảm sút do đồng lương giảm 30 - 40%, trong khi hàng hóa nhập khẩu tiếp tục lưu thông. Những người gửi tiết kiệm ở Nam Âu sẽ thấy số tiền của mình như bị mất cắp.
Đức có thể chịu hậu quả ít hơn so với các nước khác, nhưng cũng sẽ phải chứng kiến cảnh trong nháy mắt, các nỗ lực cạnh tranh mà nước này duy trì được trong suốt 10 năm qua bị tổn thất nghiêm trọng. Chính phủ nước này sẽ phải nai lưng cứu trợ các ngân hàng bị phá sản bởi sự mất giá của những tài sản kếch xù đầu tư ở nước ngoài. Kết quả là toàn bộ châu Âu sẽ trải qua một đợt suy thoái trầm trọng (GDP tăng trưởng âm 3%) kéo dài ít nhất 3 năm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến Mỹ và Anh.
Tuy nhiên, những số liệu nêu trên chỉ mang tính lý thuyết, bởi không thể đánh giá hết mức độ hoảng loạn trên thực tế. Không ai có thể đánh giá hết hậu quả khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các nước này. Hiện tượng này sẽ càng khiến các nền kinh tế châu Âu suy kiệt, tình trạng hỗn loạn về tiền tệ trở nên trầm trọng hơn và tình trạng nghèo đói trở nên phổ biến hơn.
Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Pháp)