Năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát ở tỉnh Đồng Nai đã đầu tư nuôi gà công nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc. Trang trại gồm 8 dãy nhà, với 16 sàn nuôi trên diện tích 1,2 ha, tổng đàn nuôi từ 180 - 240 nghìn con gà/lứa.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã cho biết, với nhiều năm kinh nghiệm nuôi gà cho thị trường xuất khẩu tại Đồng Nai, ông nhận thấy Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi. Do đó, ông cùng các thành viên đã đầu tư 80 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chăn nuôi gà công nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Hội. Với công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín, người nuôi chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Nhờ vậy, tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất nuôi tăng gấp 3 lần so với các mô hình nuôi thông thường. Bình quân 1 năm, hợp tác xã nuôi 4 lứa gà, doanh thu gần 50 tỷ đồng, sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
“Nuôi công nghệ cao không chỉ năng suất cao, tỷ lệ gà mắc bệnh thấp mà còn bảo vệ môi trường. Với hệ thống nuôi khép kín, gà nuôi công nghệ cao giảm thiểu 85 - 90% tác nhân gây ô nhiễm môi trường so với phương thức nuôi truyền thống. Bên cạnh đó, nhờ hệ thống tự động, trang trại của chúng tôi cũng không cần quá nhiều nhân công. Điều này giúp giảm được rất nhiều chi phí”, ông Quyết cho hay.
Công ty cổ phần cao su Thống Nhất vào năm 2019 cũng đã chuyển đổi 163,4 ha cao su và đến nay là 174 ha cao su không còn hiệu quả tại thôn Quảng Phú, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức sang trồng chuối già Nam Mỹ theo công nghệ cao để xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc; trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tới 95%.
Để đảm bảo tiêu chí xuất khẩu đối với mặt hàng chuối, ngay từ khi lập dự án đầu tư phía công ty đã cùng lúc tiến hành làm các thủ tục như: đăng ký cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và đã được chứng nhận, đăng ký cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Bên cạnh đó, công ty đã sản xuất áp dụng quy trình VietGAP và đã được đạt chứng nhận và các chứng nhận chuẩn khác theo yêu cầu của các đối tác xuất khẩu. Để kiểm soát chặt chẽ trong khâu sản xuất, công ty đã kỹ càng từ khâu chọn giống sạch bệnh, cây giống phát triển đồng đều; quy trình chăm sóc phía công ty đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất như: sử dụng máy bay không người lái, bình xịt cao áp để phun thuốc diệt sâu bọ, tưới nước tiết kiệm bón phân tự động; khâu thu hoạch từ vườn vào khu sơ chế đều được vận chuyển bằng ròng rọc tự động để hạn chế thấp nhất va chạm làm chuối bị trầy xước. Ngoài ra, các khâu đóng gói, bảo quản, vận chuyển đều phải kiểm soát nghiêm ngặt.
Nhờ đó, toàn bộ diện tích trồng chuối già Nam Mỹ của doanh nghiệp cũng đã được cấp mã vùng trồng vào tháng 5/2022 vừa qua. Hiện nay, trung bình mỗi tháng công ty xuất đi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc khoảng trên 400 tấn chuối, mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu khoảng trên 6.000 tấn.
Bà Lê Thị Ngọc Lan, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Công ty cổ phần cao su Thống Nhất chia sẻ, nhiều năm nay giá mủ cao su rớt xuống thấp, phía công ty đã tìm ra hướng đi mới để nâng cao thu nhập cho công ty, đó là chuyển qua mô hình trồng chuối công nghệ cao để xuất khẩu. Hiện nay, phía công ty đã làm chủ được công nghệ trồng, chăm sóc và thu hoạch chuối với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà đối tác yêu cầu.
"Nếu như hiện nay 1 ha cao su chỉ thu lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/năm, thì 1ha chuối cho lợi nhuận thu về khoảng 150 triệu đồng/năm, với tổng diện tích đang cho thu hiện nay là 167 ha, mỗi năm lợi nhuận thu về của công ty là khoảng trên 25 tỷ đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế, trong thời gian tới phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục xin chuyển đổi thêm 30ha từ cây cao su sang trồng chuối để xuất khẩu”, bà Lê Thị Ngọc Lan thông tin.
Hiện nay, việc xuất khẩu nông sản đi các nước, trong đó có thị trường Trung Quốc đã không còn đễ tính như trước đây, nông sản xuất khẩu vào thị trường này đều bị kiểm tra về đóng gói cũng như mã số vùng trồng… Chính vì vậy, theo ngành Nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu, cần nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ từ tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất, nhập khẩu... Muốn vậy, cần đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ…
Trước vấn đề này, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Trước những thách thức mới, đòi hỏi tổ chức sản xuất cần phải thay đổi, cần có giải pháp cụ thể, thực hiện thích ứng linh hoạt trong việc cơ cấu lại tổ chức sản xuất theo hướng tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh nhằm tiết kiệm chi phí, nhân lực và tạo ra những sản phẩm có giá trị.
Nhằm giảm thiểu rủi ro, tìm hướng đi bền vững cho xuất khẩu nông sản Bà Rịa-Vũng Tàu, trong những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục hiện đại hóa ngành nông nghiệp thông qua chuyển đổi số.
Cùng đó, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung để tạo nên giá trị, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, gắn hình thành chuỗi sản xuất liên kết với bao tiêu sản phẩm; xây dựng các thương hiệu nông sản sạch, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.