Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để hỗ trợ các chủ thể sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng số.
Bên cạnh đó, tỉnh còn thường xuyên rà soát, cập nhật nhu cầu hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm OCOP để kịp thời điều chỉnh, có phương án ứng phó phù hợp với điều kiện thị trường, kịp thời hỗ trợ giải quyết những vấn đề cấp bách, nhất là những khó khăn của thị trường tiêu thụ do tác động của dịch bệnh...
Thực hiện Chương trình OCOP, hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có tổng số 137 sản phẩm đăng ký ý tưởng sản phẩm OCOP; trong đó có 17 sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm tươi sống, 16 sản phẩm thực phẩm chế biến, 7 sản phẩm dược liệu, 81 sản phẩm chè... Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2021 có thêm từ 20 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Để đạt được mục tiêu chương trình đề ra, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn các huyện, thành, thị trên địa bàn xây dựng và triển khai ở mỗi địa phương ít nhất 1 dự án mẫu phát triển sản phẩm OCOP để nhân ra diện rộng, tổ chức các hội thảo chuyên đề về OCOP, hỗ trợ các chủ thể tham gia vào chu trình OCOP tham gia thành viên, mở gian hàng giao dịch, mua bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử Thái Nguyên và các sản thương mại điện tử khác.
Ngoài ra, các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh phối hợp tổ chức từ 5 đến 10 khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tiêu biểu, phát triển hệ thống phân phối, cơ sở hạ tầng thương mại nhằm giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, giúp các chủ thể sản phẩm OCOP quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Đực biệt, tỉnh còn hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về sản phẩm, ngành hàng, thị trường, kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thông qua tem truy xuất sản phẩm.
Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ hoạt động xác lập nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu tập thể, khai thác và phát triển bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của các chủ thể tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh.
Riêng về nguồn vốn để thực hiện Chương trình OCOP tại các địa phương trong tỉnh, ngoài nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên còn lồng ghép các nguồn vốn từ vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn vốn khuyến công, khuyến nông, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, vốn vay tín dụng...
Theo thống kê, sau 2 năm triển khai chương trình OCOP từ năm 2019 đến nay, toàn tinh Thái Nguyên đã có 76 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận, xếp hạng 3 và 4 sao.