Nhằm kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) phối hợp cùng MISA tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Hiểu chỉ số tài chính – Khám sức khỏe doanh nghiệp thời kỳ COVID”.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: "Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, Hanoisme tổ chức một chuỗi hội thảo chuyên đề về thích ứng hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó có vấn đề kiểm soát tình hình tài chính. Hoạt động này giống như lượng máu lưu thông trong một cơ thể sống là doanh nghiệp".
“Đánh giá tài chính liên quan đến công nợ, dòng tiền. Để làm điều này liên tục trong thời đại công nghiệp 4.0 chỉ có ứng dụng nền tảng công nghệ để từ đó nhìn thấy điểm mạnh để phát huy và điểm yếu để có giải pháp loại bỏ”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Chia sẻ tại sự kiện, diễn giả Đoàn Hữu Cảnh, Giám đốc tài chính TGI, Trưởng ngành Tài chính - Ngân hàng (Đại học Phương Đông) cho biết: Với doanh nghiệp có 2 trụ cột chính mà chủ doanh nghiệp quan tâm là lợi nhuận và khả năng thanh toán. Để nắm bắt các chỉ số này phải có hệ thống thông tin để kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp như hàng tồn kho, nợ, chi phí… Các doanh nghiệp lớn đều có phần mềm làm công cụ hỗ trợ trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì 3 tháng, 6 tháng và thậm chí 1 năm mới có báo cáo đánh giá tài chính. Trong khi tình hình dịch bệnh đang khiến hoạt động sản xuất kinh doanh thay đổi liên tục. Vì vậy, các doanh nghiệp thay vì đầu tư riêng cho mình phần mềm thì có thể sử dụng các nền tảng công nghệ để theo dõi hoạt động của doanh nghiệp.
“Chủ doanh nghiệp không cần trực tiếp tính toán vì đã có bộ phận kế toán và công cụ phần mềm, nhưng cần hiểu ý nghĩa của các chỉ số để điều hành kịp thời. Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào lợi nhuận tốt nhưng quản trị dòng tiền không tốt, doanh nghiệp cũng có thể bị “đột quỵ” sớm vì có rất nhiều rủi ro tiềm tàng như việc không thu được nợ của các đối tác. Đồng thời, khi doanh thu bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, từ việc cập nhật hệ thống dữ liệu, chủ doanh nghiệp sẽ có phương án sớm điều chỉnh hoạt động kinh doanh tương ứng các chỉ số khác như hàng tồn, các khoản chi phí… Điều này sẽ rất khó khăn, mất nhiều thời gian nếu chỉ chờ đợi báo cáo thủ công từ kế toán”, ông Đoàn Hữu Cảnh chia sẻ.
Trong khi đó, bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cho biết: Khi nói tới chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Mọi người nghĩ đó sẽ là vấn đề lớn nhưng thực tế đó là việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh để có dữ liệu kiểm soát “sức khỏe” doanh nghiệp. Đưa công nghệ vào đòi hỏi cần thay đổi thói quen so với cách làm truyền thống cần sự đồng lòng từ chủ doanh nghiệp đến nhân viên.
“Do đo, trước nhu cầu của doanh nghiệp, MISA xây dựng hệ sinh thái để hỗ trợ doanh nghiệp có thể làm việc trong thời gian giãn cách nhưng vẫn có thể kiểm soát được hoạt động doanh nghiệp. Đồng thời nền tảng có thể kết nối hệ thống bên ngoài như Thuế, ngân hàng, bảo hiểm xã hội…”, bà Đinh Thị Thúy cho biết.
Theo thống kê từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, có tới 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việc kiểm soát tình hình hoạt động kinh doanh, trong đó có mảng tài chính là rất quan trọng. Chẳng hạn liên quan đến chi phí doanh nghiệp thì sẽ phải điều chỉnh những gì. Do đó, chủ doanh nghiệp sẽ có những thông số cụ thể, nhất là những chỉ số tiêu cực về tài chính như là những “cục máu đông” mà chủ doanh nghiệp cần phát hiện kịp thời và đưa ra giải pháp như thuốc chữa bệnh”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.