Một góc quận Bắc Từ Liêm với tuyến đường 32 đang xây dựng tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết: Năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn chủ đề môi trường đô thị để đánh giá mặt được và chưa được, những vấn đề cần hướng tới.
"Sau sự kiện Formosa dường như cả xã hội bừng tỉnh về môi trường, tác động của môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe, kinh tế mạnh đến mức nào. Ngoài ra, làm thế nào để phục hồi môi trường, hỗ trợ không chỉ trong năm nay mà những năm tiếp theo. Chính phủ có những biện pháp tăng cường kiểm soát môi trường tốt hơn", ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất đưa ra các giải pháp. Đó là, cần hoàn thiện các thể chế về bảo vệ môi trường đô thị, tăng cường kiểm soát ô nhiễm và giảm phát thải, tăng cường huy động các nguồn đầu tư tài chính và sử dụng hiệu quả đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị; đồng thời đẩy mạnh huy động sự tham gia của cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường đô thị.
Các đại biểu cho rằng cần ưu tiên tập trung giải quyết, khắc phục các vấn đề nổi cộm về môi trường đô thị; rà soát, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo điều kiện thực tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo triển khai thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đặt ra; xây dựng và tổ chức triển khai định kỳ hoạt động điều tra thống kê nguồn thải, kiểm kê nguồn thải…
Hiện nay, dân số đô thị ở nước ta đang tăng nhanh. Đặc biệt, là vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị đang là sức ép lớn quá tải trong sử dụng hạ tầng, tạo thành các khu dân cư nghèo quanh đô thị sức ép lên môi trường. Sở dĩ có hiện tượng dân số đô thị tăng nhanh như vậy là do tình trạng thiếu đất canh tác nông nghiệp, thiếu việc làm, thừa lao động và thu nhập thấp ở nông thôn đã tạo ra một luồng di cư từ nông thôn lên thành thị.
Dân số đô thị tăng nhanh sẽ tạo ra sức ép về nhà ở, nước sinh hoạt, năng lượng, dịch vụ y tế và song song với nó là lượng chất thải (nước, rác thải) tăng, giảm diện tích cây xanh, diện tích mặt nước, tăng mật độ giao thông và lượng khí thải, bụi chì do đó cũng tăng theo.
Bên cạnh đó, tốc độ công nghiệp hoá ở nước ta cũng tăng rất nhanh (có nơi đạt tới 35-40%/năm). Ngoài những mặt lợi thì tình hình công nghiệp hóa nhanh cũng mang lại những tác động đáng kể đến môi trường, nguồn chất thải độc hại càng lớn, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác triệt để, môi trường và tài nguyên càng bị suy thoái thì xác suất xảy ra các sự cố môi trường càng cao.
Các khu công nghiệp và nhà máy ở nước ta nhìn chung đều lạc hậu, chưa có thiết bị xử lý chất thải, đổ trực tiếp nước thải ra sông hồ và các khu vực dân cư xung quanh, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khoẻ của người lao động cũng như của cộng đồng dân cư.