Hầu hết các công ty dịch vụ logistics ở Việt Nam đều khẳng định tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp cho toàn ngành là 200 nghìn nhân sự, trong khi đó khả năng đáp ứng vẫn dừng ở mức khiêm tốn.
Nhận định từ chuyên gia cho thấy, thời gian qua, việc đào tạo, phát triển nhân lực logistics đã được quan tâm nhưng nhân sự vẫn chưa đủ đáp ứng với nhu cầu thực tiễn. Bởi, khi Việt Nam thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hoạt động thương mại quốc tế ngày càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Do đó, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về logistics còn hạn chế cả về nhân lực và trình độ vì nhiều cán bộ chưa được đào tạo bài bản về logistics.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), 50% số doanh nghiệp logistics có nhu cầu cần tuyển dụng thêm 15 - 20% nhân viên và đến năm 2030, Việt Nam cần đến hơn 200 nghìn nhân lực phục vụ cho ngành này, đó là chưa kể đến nhu cầu nhân lực logistics tại doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Trong khi đó, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.
Thực tế cho thấy, quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của doanh nghiệp hiện nay. Có đến 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. Đặc biệt, một số doanh nghiệp logistics quy mô lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng riêng để bảo đảm mục tiêu phát triển.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, logistics Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt chính là nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp. Cùng với đó, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như trạng thái tâm lý của lao động logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận làn sóng di chuyển lao động giữa các nước ASEAN chưa cao. Hơn nữa, vấn đề kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động thấp cũng là những hạn chế cần có giải pháp khắc phục đối với nhân lực logistics Việt Nam.
Theo đại diện Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, thành phố hiện có khoảng 14.000 người làm việc trong lĩnh vực logistics, chiếm 2,7% nguồn lao động logistics trên cả nước và khoảng 40% nguồn lao động logistics vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chỉ đáp ứng khoảng 30 – 50% nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ logistics.
Việc giải quyết sự thiếu hụt nguồn lao động, nhất là lao động chất lượng cao trong lĩnh vực hàng hải, hàng không, kho bãi, nhất là cán bộ quản lý điều hành chuyên ngành về logistics trình độ đại học và trên đại học, được đào tạo nước ngoài hoặc nhân công được đào tạo chuyên nghiệp, có tình độ tay nghề cao là nhu cầu bức thiết đối với Thành phố cũng như vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Phần lớn các doanh nghiệp phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. Tại Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung, việc đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics trong các trường đại học chủ yếu lồng ghép vào các ngành như ngoại thương, quan hệ quốc tế…nên để có nguồn nhân lực chất lượng để phục vụ cho ngành còn rất hạn chế.
Ông Nguyễn Thành Phương - Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ chia sẻ, Tập đoàn đang tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực mới là logistics với quy mô quy hoạch khoảng 170 ha. Thế nhưng, khó khăn nhất của Tập đoàn hiện nay là tìm kiếm nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bởi vậy, các địa phương nên hình thành và liên kết với những trường đào tạo chuyên ngành về logistics, đặc biệt liên kết với nhà đầu tư từ nước ngoài trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này.
Tương tự, bà Phạm Lan Hương - Tổng giám đốc Công ty Vinafco cho hay, mặc dù các trường đại học đã có ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhưng chất lượng đầu ra của sinh viên đang có khoảng cách lớn so với yêu cầu của doanh nghiệp cả về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm bởi sinh viên thường khó thích ứng ngay với văn hóa của doanh nghiệp.
Nguyên nhân một phần đến từ chương trình đào tạo nhà trường thiên về chuyên môn, mà ít có nội dung khuyến khích thực hành giá trị cuộc sống và khả năng hòa nhập với văn hóa doanh nghiệp. Đặc thù ngành này là phải xông pha, nhiệt huyết và chịu đựng được áp lực, do là ngành dịch vụ tính kết nối, logic, giải quyết sự việc luôn trong trạng thái ngay là ngay lập tức.
Để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cần sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp logistics và các trường dạy nghề. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…
Theo ông Trần Thanh Hải nêu rõ, yêu cầu về chất lượng trình độ chuyên môn và kỹ năng của nhân lực logistics ngày càng cần nâng cao. Đặc biệt nguồn lao động có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, đàm phán... sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp.
Vì thế, bên cạnh việc kiện toàn bộ máy, Hiệp hội VALOMA cần tạo niềm tin và động lực để hội viên cống hiến cho Hiệp hội, cho sự nghiệp phát triển nhân lực logistics. Cùng đó, xây dựng Kế hoạch hoạt động trong năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ với những nhiệm vụ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nhưng phải có tính khả thi, thực tế khi triển khai thực hiện.
Ngoài ra, tiếp tục tạo ra những hoạt động gắn kết hội viên, thúc đẩy liên kết hội viên dưới nhiều hình thức như giữa nhà trường với nhà trường, nhà trường với doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo.
Ông Trần Thanh Hải cũng lưu ý bản thân các hội viên cũng cần phát huy hơn nữa tính chủ động, đề xuất các sáng kiến, góp ý với hoạt động của Hiệp hội; tham gia vào hoạt động trong các Ban chuyên môn của Hiệp hội, qua đó mở rộng quan hệ hợp tác, nâng cao kiến thức và giúp cho các Ban chuyên môn của Hiệp hội hoạt động hiệu quả, đa dạng hơn.
Đặc biệt, phải dành sự quan tâm cho các em sinh viên, nhất là là mạng lưới Câu lạc bộ Logistics Sinh viên Việt Nam, tin tưởng giao cho các em một phần công việc của Hiệp hội. Mặt khác, khuyến khích, hỗ trợ các em có những hoạt động riêng phù hợp với tinh thần tuổi trẻ nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Để nâng cao chất lượng nhân lực ngành logistics, đại diện VALOMA cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo thành viên trong việc tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về chuyển đổi số và logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tích hợp các nội dung, hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực cho sinh viên về logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh, chuyển đổi số.
Hiện nay, các đơn vị đào tạo cung cấp nguồn nhân lực logistics ở cả bậc đại học và đào tạo nghề đều đang khá hạn chế về cơ sở vật chất thực hành kỹ năng cũng như đội ngũ giảng viên trình độ cao trực tiếp giảng dạy. Cùng với đó, cần phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng các bộ chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn nghề nghiệp đối với các vị trí công việc trong ngành; trong đó, hướng tới nhân lực có đủ kiến thức, năng lực và thái độ đáp ứng yêu cầu của ngành trong điều kiện mới.
Xây dựng các khóa học chuyên sâu, bổ sung, cập nhật cho các đối tượng theo nhiệm vụ cụ thể để triển khai quản trị nhân lực xanh gắn với logisics và quản trị chuỗi cung ứng xanh. Cùng đó, tăng cường phối hợp, chia sẻ nguồn lực về cơ sở vật chất, giáo trình tài liệu và chuyên gia. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác, phối hợp với doanh nghiệp, hiệp hội để gắn hoạt động đào tạo, thực hành, thực tập, tuyển dụng với thực tiễn một cách thực chất, tăng cường vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp với hoạt động phát triển toàn diện nguồn nhân lực.
Mặt khác, tăng cường kết nối quốc tế để trao đổi, học hỏi về kinh nghiệm đào tạo, tiếp cận nguồn lực chuyên gia từ các quốc gia tiên tiến, nguồn tài trợ phát triển cơ sở vật chất, nguồn học bổng phát triển nhân lực giảng viên, cơ hội chuyển giao công nghệ và hợp tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhanh bài toán thực tiễn đặt ra.