Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS ông Axel Weber, ngay cả khi có sẵn trong tay một loại vaccine ngừa COVID-19, nền kinh tế toàn cầu vẫn cần nhiều thời gian để quay lại mức trước khủng hoảng. Các nhà kinh tế của viện nghiên cứu phi lợi nhuận RAND Europe ước tính thiệt hại của kinh tế toàn cầu vẫn ở mức 1,2 nghìn tỷ USD/năm ngay cả khi có vaccine COVID-19.
“Nói thật lòng, tôi không bi quan. Cuối cùng chúng ta sẽ vẫn vượt qua khủng hoảng này. Nhưng chúng ta không nên ảo tưởng quá trình hồi phục sẽ đến sớm và nhanh chóng, cần mất một thời gian”, Chủ tịch Weber trả lời đài CNBC ngày 10/11.
“Sẽ mất ít nhất một năm để quay trở lại mức GDP trước khủng hoảng. Sẽ mất thêm một hoặc hai năm nữa để tỷ lệ thất nghiệp và tăng trưởng trước khủng hoảng trở lại như cũ. Do đó, quá trình phục hồi cũng diễn ra khá lâu”, ông Weber phát biểu tại một hội nghị trực tuyến trên khắp châu Âu do UBS tổ chức trong tuần này.
Vào ngày 9/11, công ty dược phẩm Mỹ Pfizer và công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức thông báo vaccine ngừa COVID-19 của họ đã đạt được mức hiệu quả trên 90%. Giám đốc điều hành Pfizer Tiến sĩ ca ngợi đây là “một ngày tuyệt vời cho khoa học và nhân loại”. Ngay sau khi tin tức bùng nổ, thị trường chứng khoán trên khắp thế giới tăng vọt.
Vaccine của Pfizer quy định tiêm hai liều cho mỗi người sử dụng. Theo tính toán hiện giờ của dự án, đến hết năm 2020, chỉ có 25 triệu người được tiêm vaccine. Cả Pfizer và BioNTech cho biết họ hy vọng sẽ sản xuất được 50 triệu liều vaccine vào năm 2020 và 1,3 triệu liều khác vào năm 2021.
Khi được hỏi về phản ứng của mình liên quan đến tin tức vaccine, Chủ tịch Weber cho hay “đó hoàn toàn là một tin tức tốt lành”, song cũng cần thời gian để triển khai các chương trình tiêm chủng trong mỗi nước cũng như toàn cầu. “Chúng tôi đã chờ đợi từ rất lâu ... Và những tin tức mới nhất thực sự khiến các thị trường dậy sóng. Điều đáng buồn là số lượng vaccine có thể được sản xuất trong một năm thấp hơn nhiều so với dự kiến".