Vải sớm ra hoa đạt 98%
Thời tiết thuận, được chăm sóc chu đáo nên đến thời điểm này, các vườn vải sớm ở Thanh Hà đều đang sinh trưởng, phát triển tốt. Gia đình ông Nguyễn Thành Công, thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang có 25 sào trồng vải; trong đó, 20 sào trồng tập trung theo hướng VietGAP.
Những ngày này, vườn vải nhà ông Công đang sum suê hoa, một số trà vải sớm đang ra hoa cái. Thời tiết cứ ấm áp như thế này, năm nay sẽ được mùa hoa, được mùa quả - ông Công phấn khởi cho hay.
Theo ông Công, thời gian qua, dịch bệnh phức tạp nên người trồng vải rất lo lắng nhất là việc cung ứng các vật tư nông nghiệp. Tuy vậy, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vẫn được cung cấp đầy đủ về tận nơi giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Ông Công cũng như các nông dân trong xã đều theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh và thực hiện đúng khuyến cáo của chính quyền địa phương vừa phòng chống dịch vừa song song với việc duy trì sản xuất. Từ khi vải ra hoa đến nay, ông Công đã tiến hành phun 2 lần thuốc bảo vệ thực vật.
Xã Thanh Quang có 701 ha vải; trong đó chủ yếu là vải sớm, mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương. Ông Đồng Đức Luyện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Quang cho biết, ngay từ đầu vụ, xã đã chỉ đạo nông dân tăng cường phòng trừ sâu bệnh. Rút kinh nghiệm năm 2020, nông dân có nơi lơ là nên ảnh hưởng đến năng suất vải nên năm nay mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh nhưng nông dân vẫn ra đồng, tập trung chăm sóc cây. Đến nay, 98-99% các trà vải đều ra hoa, hứa hẹn một mùa vải bội thu.
Huyện Thanh Hà hiện có khoảng 3.500 ha vải; trong đó khoảng 2.000 ha vải muộn, còn lại là trà vải sớm. Hiện các trà vải sớm đang ra hoa và quả non, tỷ lệ vải ra hoa đạt trung bình khoảng 98% và vải chính vụ cũng đang trong thời kỳ ra hoa.
Đến nay, toàn bộ diện tích vải Thanh Hà được sản xuất theo quy trình VietGAP; trong đó khoảng 500 ha đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30 ha đạt tiêu chuẩn Global GAP.
Chủ động biện pháp tiêu thụ
Vui trước tín hiệu được mùa nhưng người trồng vải Thanh Hà, Hải Dương vẫn thấp thỏm lo đầu ra cho trái cây đặc sản này. Ông Nguyễn Thành Công bày tỏ mong muốn Nhà nước tạo mọi điều kiện cho thương lái về đến nơi thu mua thuận tiện.
Hiểu được nỗi lo lắng của người trồng, để chủ động khâu tiêu thụ cho vụ vải năm 2021, Ủy ban Nhân dân xã Thanh Quang dự kiến sẽ mời các đầu mối, doanh nghiệp tiêu thụ về địa phương để thông tin và trao đổi kế hoạch thu mua.
Ông Trịnh Văn Thiện, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà cho biết, vải thiều là cây chủ lực của địa phương nên huyện đã chủ động chỉ đạo sản xuất để đảm bảo tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu vào các thị trường khó tính nước ngoài.
Về các giải pháp tiêu thụ, khác với mọi năm, ý thức được dịch còn diễn biến phức tạp nên huyện cũng đưa ra một số kịch bản. Năm nay, Thanh Hà vẫn duy trì vùng vải xuất khẩu đi các thị trường khó tính nhưng bên cạnh các kênh truyền thống, huyện đang nghiên cứu triển khai thêm một số kênh mới để xúc tiến tiêu thụ quả vải qua zalo và facebook; lập sàn tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Thanh Hà sẽ chú trọng hơn vào thị trường trong nước, giàu tiềm năng như Hà Nội và một số thành phố lớn với kỳ vọng sẽ có một năm được mùa, được giá, giúp nông dân phát triển kinh tế và có thu nhập tốt - ông Trịnh Văn Thiện chia sẻ.
Về phía ngành nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương cho biết đã tham mưu và đồng hành với huyện trong việc kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ lớn trong cả nước; trong đó có những doanh nghiệp tên tuổi về xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính. Trong thời gian dịch COVID-19, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên liên lạc, hỗ trợ từ xa cho các doanh nghiệp này khâu chuẩn bị trước mùa vải.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, các ngành chức năng liên quan đang triển khai xây dựng các kịch bản hỗ trợ tiêu thụ vải, có tính đến các tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp và vẫn còn một số địa phương chưa hết thời gian phong tỏa, cách ly.
Đối với thị trường Trung Quốc, ngành nông nghiệp đề xuất tạo thuận lợi cho thương lái sang thu mua, có thể tính đến phương án mời họ sang Việt Nam trước nửa tháng so với thời điểm thu hoạch để thực hiện việc cách ly theo quy định.