"Kiên định" với xu hướng sụt giảm lúc đầu phiên, giá vàng giao ngay tại Xingapo vào lúc 13 giờ 27 phút ngày 24/2 giảm 0,3% xuống 1.775,14 USD/ounce, kết thúc chuỗi tăng giá kéo dài 4 phiên. Tuy nhiên, tính chung trong cả tuần này, giá vàng vẫn đi lên nhờ sự hậu thuẫn của hai nhân tố: tiến trình giải quyết khủng hoảng nợ của Hy Lạp và đợt xuống sức gần đây của đồng USD.
Đồng euro mạnh - quanh quẩn mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi qua, và đồng USD yếu (giảm gần 0,5% trong tuần này) đã giúp kiềm chế đà "rơi" của vàng. Đồng tiền xanh yếu khiến các hàng hóa được giao dịch bằng đồng tiền này trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư đang giữ trong tay các tiền tệ khác.
Vàng đang hướng tới mức tăng 3% trong tuần này - mức tăng mạnh nhất/tuần tính trong gần 1 tháng qua. Peter Tse, Giám đốc ScotiaMocatta (có trụ sở ở Hồng Công) nhận định: khi đã phá được ngưỡng kháng cự 1.760 USD/ounce trong phiên 22/2, giá vàng có thể sẽ thử sức ở các mức cao hơn. Ông Tse cũng cảnh báo về khả năng thị trường sẽ phải chứng kiến những đợt bán ra chốt lời ở thời điểm trước thềm phiên họp Bộ trưởng Tài chính của G20 (dự kiến diễn ra vào cuối tuần này).
Theo Wang Tao, chuyên gia phân tích thị trường của hãng tin Anh Reuters, những phân tích kỹ thuật cho thấy giá vàng giao ngay có thể tăng lên 1.797 USD/ounce trong ngày hôm nay.
Từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng gần 14%, do nhà đầu tư kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ. Khi một lượng tiền lớn (với lãi suất thấp) đổ vào hệ thống tài chính, lạm phát sẽ tăng, và vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn với vai trò là một công cụ đối phó với lạm phát. Hiện nhà đầu tư đang chờ đợi chương trình tái cấp vốn dài hạn (LTRO) lần hai của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 29/2, theo đó khoảng 500 tỷ euro sẽ được bơm cho các ngân hàng.
Trong một thông tin có liên quan, lượng vàng do quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ tính đến phiên 23/2 tăng 1,209 tấn lên 1.282,796 tấn - mức cao nhất trong hơn 2 tháng qua.
Hương Giang (Theo Reuters)