Chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên hơn 20 km, nằm trên địa bàn xã Bình Sơn, thị xã Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi - đơn vị trực thuộc Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - tựa như một khu du lịch sinh thái với những đồng cỏ rộng hàng chục ha xanh mướt, róc rách tiếng suối reo dưới những ngọn đồi điệp trùng.
Những “Bạch Mã Ôn” bất đắc dĩ
Dẫn chúng tôi dạo quanh khu vực chăn thả, anh Trần Văn Cự - người được ví như “Bạch Mã Ôn” của Trung tâm cho biết: Sinh ra, lớn lên ở gần Trung tâm, loanh quanh với nhiều nghề rồi như một cơ duyên lại quay trở lại với nghề chăn ngựa - nói một cách chính xác hơn là kỹ thuật viên chăn nuôi ngựa. Anh kể, giống ngựa khác hẳn với những đại gia súc khác, rất thông minh, cũng giận dữ, cũng tỏ thái độ yêu - ghét rõ rệt.
Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi có hàng chục héc ta đồng cỏ xanh mướt. |
Được huấn luyện từ bé, nên chỉ cần mình anh cũng có thể quán xuyến hơn 100 con ngựa giống ngoài đồi cỏ. Mang tiếng là làm việc trong cơ quan nhà nước nhưng thực ra công việc của anh giống với những người chăn nuôi hơn. Chẳng kể ngày nghỉ, ngày lễ, cứ nắng ráo là anh và đàn ngựa quý lại “tung tăng” ra đồng cỏ, đảm bảo để đàn ngựa giống được ở trên đồng cỏ từ 7 - 8 giờ mỗi ngày. Có lẽ cũng vì gắn bó với đàn ngựa nên giờ đây anh hiểu tập tính của cả hơn 100 con ngựa và chắc hẳn đàn ngựa cũng hiểu người chăn nuôi chúng. Mỗi lần nghe thấy hiệu lệnh của anh những con ngựa lại ngoan ngoãn tập hợp thành đàn phi nước kiệu về chuồng, tự động vào chuồng của mình.
Anh Vũ Đình Ngoan - Trưởng trạm nghiên cứu chăn nuôi ngựa của Trung tâm cho biết: Khác với trâu, bò, việc chăn nuôi ngựa, nhất là ngựa giống có yêu cầu cao hơn rất nhiều. Thức ăn cho ngựa phải cân đối hài hòa giữa thức ăn thô và thức ăn tinh. Do đặc điểm riêng trong cấu tạo hệ tiêu hóa, ngựa không thuộc loài gia súc nhai lại như trâu bò nên rất hay bị… đau bụng. Khi phát hiện ngựa rối loạn tiêu hóa, anh em kỹ thuật viên phân công nhau túc trực chữa bệnh như chữa bệnh cho người, cũng tiêm thuốc giảm đau, cho uống thuốc, thậm chí còn phải đánh gió cho ngựa.
Mùa ngựa sinh sản nhiều, từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, cả trạm ăn ngủ ngay tại dãy tập thể ngay gần chuồng ngựa. Dù biết công việc chăn nuôi ngựa gian nan, vất vả nhưng tất cả anh em ở đây khi đã “trót” yêu thích đàn ngựa đều không thể dứt bỏ sang công việc khác. Buồn nhất là khi phải chia tay với mỗi con ngựa đến kỳ thay đàn (sau 8 -10 năm khai thác giống)…
Nơi bảo tồn nguồn giống tốt
Dẫn chúng tôi đi thăm hệ thống chuồng trại, Tiến sĩ khoa học nông nghiệp Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm say mê kể về những giống ngựa quý hiếm và công việc bình lặng của những người làm công việc nghiên cứu về ngựa. Anh Đại cho biết: Trung tâm có bề dày truyền thống hơn 60 năm với tiền thân là Trại ngựa Bá Vân. Hiện tại, Trung tâm vẫn là đơn vị duy nhất tại Việt Nam thực hiện việc nghiên cứu chọn lọc, nhân giống, lai tạo, giữ giống gốc của ngựa phù hợp với địa bàn, vùng sinh thái khí hậu và điều kiện phát triển chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi bền vững ở các tỉnh trung du và miền núi…
Nếu như trước đây Trung tâm chủ yếu nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo giống ngựa thì hiện nay đã mở rộng ra một số vật nuôi khác như: Trâu, gia cầm… Tuy vậy với lợi thế có bề dày nghiên cứu, lai tạo, bảo tồn nguồn gen ngựa, Trung tâm vẫn luôn ưu tiên phát triển đàn ngựa giống thuần. Hiện tại, với hơn 120 con giống, bao gồm giống ngựa Cabacdin (Nga), ngựa lai 50% máu Cabacdin, ngựa lai 75% máu Cabacdin, ngựa lai đua, ngựa bạch, ngựa màu Việt Nam, ngựa mini Trung Quốc, Trung tâm trở thành nơi bảo tồn nguồn giống ngựa lớn nhất của Việt Nam, thậm chí trong cả khu vực Đông Nam Á. Trong những năm qua, một số đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước như: “Nghiên cứu chọn lọc và lai tạo giống ngựa địa phương với giống ngựa Cabardin phục vụ dân sinh và quốc phòng”; “Nghiên cứu chọn lọc và lai tạo với ngựa đực 50% máu cabacdin để cải tạo giống ngựa bản địa huyện Bắc Hà - Lào Cai”; “Nghiên cứu lai tạo nhóm ngựa lai phục vụ thể thao, du lịch”… do Trung tâm thực hiện đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực đối với các địa phương được ứng dụng.
Rời Bình Sơn trong tiết mưa xuân lất phất, chúng tôi đem theo cả những trăn trở của những người làm công tác nghiên cứu khoa học ở nơi đây khi sự đầu tư của cấp trên cho lĩnh vực nghiên cứu về ngựa còn còn rất hạn chế, chưa đúng mức; lực lượng nghiên cứu quá mỏng; các cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi ngựa hầu như không có... Tuy vậy, vượt lên những khó khăn này, tập thể cán bộ công nhân viên của Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi vẫn âm thầm, lặng lẽ, hết lòng với công việc của mình để tiếng ngựa hí vẫn mãi vang xa mỗi khi Tết đến, xuân về.
Bài và ảnh:Hoàng Thảo Nguyên