Theo đó, các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đảm bảo sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức tự động không dừng trên toàn tuyến dự kiến từ 1/8/2022.
Được khởi công lần đầu từ tháng 11/2009, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc tuyến đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và đất nước nói chung. Việc lưu thông trên tuyến cao tốc này giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1A. Sau hơn một thập kỷ đình trệ với rất nhiều trắc trở, khó khăn, cho đến ngày 27/4/2022 vừa qua, tuyến cao tốc chính thức được khánh thành.
Kể từ khi được đưa vào vận hành cho đến nay, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch quốc gia, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với tổng lưu lượng xe lưu thông ghi nhận trên tuyến lên tới gần 800 nghìn lượt, trung bình khoảng 23 nghìn lượt xe/ngày đêm.
Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh như hiện nay, lưu lượng xe về Miền Tây ngày càng tăng cao, các tuyến đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi miền Tây ngay sau khi khai thác có khả năng không đáp ứng được lưu lượng thực tế trong thời gian tới. Do đó, nhu cầu sử dụng thu phí tự động không dừng là cấp thiết nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông qua trạm thu phí.
Đây cũng là lý do VETC đã có mặt tại các trạm trên tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận từ ngày 30/4/2022 triển khai các hoạt động hỗ trợ, tư vấn và cung ứng dịch vụ, sẵn sàng cho thời điểm có thể áp dụng thu phí không dừng tại đây và áp dụng thử nghiệm miễn phí dịch vụ thu phí tự động không dừng trên tuyến.
Kể từ 14h ngày 23/6/2022, các phương tiện lưu thông qua tuyến đã áp dụng đồng thời hình thức thử nghiệm thu phí tự động không dừng. Trong giai đoạn thử nghiệm, các xe đã dán thẻ, tài khoản đủ điều kiện thanh toán sẽ đi vào tất cả các làn thu phí, hệ thống ghi nhận và barier sẽ tự động mở cho xe đi qua, tài khoản của khách hàng sẽ không bị trừ tiền. Trong trường hợp thẻ gắn trên xe không giao tiếp với hệ thống tại trạm, nhân viên thu phí sẽ phát thẻ IC (IC card) để xe vào cao tốc.
Việc thử nghiệm thu phí nhằm đánh giá các chỉ tiêu về hệ thống thiết bị, hoàn thiện kỹ năng phục vụ của nhân viên tại các trạm. Kết quả thử nghiệm đã cho thấy các hiệu ứng rất tích cực: lưu lượng lưu thông qua làn ETC nhanh chóng, thuận tiện hơn rất nhiều với thời gian chỉ từ 5 giây/lượt. Sau thời gian vận hành thu phí thử nghiệm (không thu tiền), đơn vị quản lý vận hành và các bên liên quan sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá và kiến nghị các cơ quan chức năng của địa phương về cơ chế phối hợp để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trước khi đưa dự án vào thu phí chính thức.
Ông Nguyễn Danh Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết: “Hệ thống thu phí ETC do VETC triển khai lắp đặt trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật chung với hệ thống ETC sử dụng công nghệ RFID (sóng vô tuyến) được quy định tại Quyết định số 2255/QĐ-BGTVT ngày 21/7/2016 của Bộ Giao thông Vận tải và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan khác theo quy định, đảm bảo tính đồng bộ và khả năng kết nối liên thông với hệ thống thu phí ETC trên toàn quốc. Việc đưa hệ thống ETC vào khai thác sẽ giúp các phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được hưởng đầy đủ các tiện ích do công nghệ này mang lại”.
Với việc chính thức áp dụng dịch vụ ETC tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tổng số làn thu phí không dừng kết nối với nhà cung cấp dịch vụ VETC sẽ lên tới 627 làn trên tổng số 806 làn thu phí không dừng trên cả nước (tính đến ngày 31/8/2022).
Sử dụng hệ thống thu phí không dừng sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 bên: Người dân, chủ đầu tư và xã hội. Sử dụng ETC sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian di chuyển, nhiên liệu, tăng tuổi thọ của xe, lái xe thoải mái do không phải xếp hàng chờ đợi, thanh toán tiện lợi, nhanh chóng. Đối với chủ đầu tư, lợi ích dễ dàng nhận thấy là tài chính minh bạch, tránh thất thoát, tiết kiệm chi phí nhân sự, chi phí giấy in vé, góp phần bảo vệ môi trường. Đối với xã hội, đây là hình thức giúp xây dựng hệ thống dữ liệu giao thông quốc gia, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông. Từ đó, việc quản lý chi phí, hoạt động của phương tiện và các trạm BOT đối với Nhà nước cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.