Vì sao EVN tiếp tục lỗ?

Trước thông tin về số lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 28.700 tỷ đồng trong 8 tháng năm 2023, dù trước đó, tập đoàn này đã được chấp thuận tăng giá điện hồi tháng 5/2023, theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), với giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao như hiện nay đã ảnh hưởng đến chi phí phát điện của doanh nghiệp.

Để cân bằng tài chính cho EVN, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho rằng, cần thiết giảm giá nhiên liệu cho sản xuất điện từ các nhà cung cấp trong nước, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và cho phép điều chỉnh giá điện để thu hồi các chi phí chưa được tính đầy đủ vào giá điện.

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty Truyền tải điện 1 kiểm tra thiết bị TBA 220 kV Xuân Mai. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Giá nguyên liệu vẫn ở mức cao

Theo chia sẻ của một đại diện EVN, số liệu báo cáo tài chính cho thấy, 8 tháng năm 2023, EVN dự kiến lỗ tới hơn 28.700 tỷ đồng. Như vậy, cùng với số lỗ 26.500 tỷ đồng của năm 2022, tính đến thời điểm hiện tại, công ty mẹ EVN lỗ tổng cộng khoảng trên 55.000 tỷ đồng.

Lý do khiến EVN tiếp tục lỗ lớn trong 8 tháng năm 2023 là do kinh doanh dưới giá vốn; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao trong mấy tháng đầu năm 2023, mặc dù có giảm so với năm 2022.

Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, hiện nay, diễn biến giá nhiên liệu cho sản xuất điện vẫn còn nhiều bất lợi cho ngành điện mặc dù đã có giảm so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với các năm trước đó.

Cụ thể, giá than nhập khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 210 USD/tấn, thấp hơn bình quân năm 2022 khoảng 150 USD/tấn, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với bình quân các năm 2019 - 2021 khoảng 120 USD/tấn.

Giá dầu HSFO trên thế giới dùng để xác định giá khí thị trường 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 423 USD/tấn, thấp hơn năm 2022 gần 100 USD/tấn, nhưng vẫn cao hơn so với bình quân các năm 2019 - 2021 khoảng 80 USD/tấn.

"Việc giá nhiên liệu giữ ở mức cao tiếp tục ảnh hưởng đến chi phí mua điện của năm 2023. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023 vừa qua thời tiết nắng nóng, phụ tải tăng cao, đồng thời thủy văn gặp nhiều bất lợi, nên sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện thấp, dẫn đến hệ thống phải huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện (than, khí và dầu)", ông Trần Việt Hoà cho hay.

Cũng theo ông Hoà, liên quan đến việc cung cấp than cho sản xuất điện, từ năm 2019 việc khai thác, cung cấp than sản xuất trong nước của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản TKV, Tổng Công ty Đông Bắc gặp nhiều khó khăn, cơ bản đã tới hạn, nên các nhà cung cấp phải nhập khẩu than về để phối trộn với than trong sản xuất trong nước, để bán cho sản xuất điện.

Hiện nay TKV, Tổng Công ty Đông Bắc chỉ cung cấp than trong nước cho một số ít nhà máy điện. Đó là các Nhà máy điện BOT (Mông Dương 2, Vĩnh Tân 1, Hải Dương); các nhà máy của TKV Power (Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê). Các nhà máy còn lại (công suất chiếm phần lớn của EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, các Tổng công ty phát điện (EVNGENCO), nhà đầu tư IPP - dự án điện độc lập) thì TKV, Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp than pha trộn.

Tỉ trọng than nhập khẩu trong than trộn khoảng 40 - 60%, ông Hoà cho hay, cơ bản giá than pha trộn sẽ biến động theo giá than nhập khẩu. Trường hợp nếu TKV điều chỉnh giá than trong nước thì đồng thời chi phí mua điện của EVN từ các nguồn điện sử dụng than trong nước, than pha trộn sẽ tăng lên.

Giải pháp cân bằng tài chính

Chú thích ảnh
Toàn cảnh “Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối” tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Đề xuất về các giải pháp giúp EVN có thể tiến tới cân bằng tài chính, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho rằng, thực tế thời gian qua và hiện nay EVN đã tiến hành nhiều giải pháp để góp phần cân bằng tài chính như phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc, giải pháp về tiết kiệm điện.

"Tuy nhiên, những giải pháp nêu trên chỉ mang tính chất hỗ trợ. Để đảm bảo cân bằng được tài chính thì quan trọng nhất vẫn là giảm giá nhiên liệu bán cho điện từ các nhà cung cấp trong nước, huy động tối ưu các nguồn phát điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và cho phép điều chỉnh giá điện để thu hồi các chi phí chưa được tính đầy đủ vào giá điện" - ông Trần Việt Hòa nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nêu quan điểm, cần chuyển giá điện sang vận hành theo giá thị trường, tương tự việc áp dụng nhanh cơ chế giá thị trường với gạo, để doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động kinh doanh

Nhiều ý kiến cho rằng, giá bán lẻ điện hiện chưa theo kịp thực tế phát triển thị trường, không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào, cũng như tình trạng khan hiếm cung - cầu điện. Đồng thời, các chính sách về giá điện cũng bộc lộ bất cập, như chưa tách bạch các chi phí về giá phân phối điện, phí điều độ vận hành hệ thống...

Bình An (TTXVN)
Qua 8 tháng, EVN lỗ hơn 28.000 tỷ đồng
Qua 8 tháng, EVN lỗ hơn 28.000 tỷ đồng

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN