Tồn kho tăng cao kỷ lục
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến ngày 3/5, các nhà máy đường đã ép được 11,3 triệu tấn mía, sản xuất được 1,04 triệu tấn đường; trong đó đường RE là 314.000 tấn.
Đáng chú ý, lượng đường tồn kho hiện đã ở mức trên 717.000 tấn, riêng tồn kho tại nhà máy đã là 675.000 tấn. Trong đó, đường trắng tồn kho 337.000 tấn, đường luyện 313.000 tấn và đường vàng thô gần 67.000 tấn. Đông Nam Bộ là khu vực đang có lượng đường tồn kho lớn nhất với 235.500 tấn; tiếp đó là miền Trung 222.000 tấn, miền Bắc 154.000 tấn và Đồng bằng sông Cửu Long là 61.000 tấn.
Không những vậy,vẫn còn 21/ nhà máy đang tiếp tục sản xuất. Theo VSSA, lượng tồn kho năm nay là không bình thường, quá cao so với năm 2016 chỉ tồn kho 500.000 tấn và nhiều năm trở lại đây.
Kho chứa sản phẩm tại nhà máy đường Thành Thành Công, Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN |
Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA cho biết, việc tiêu thụ đường của các nhà máy hiện đang rất chậm do tình trạng đường lậu đang hoành hoành khắp cả nước và gian lận thương mại chưa được kiểm soát chặt chẽ. Điều này cũng là nguyên nhân chính khiến lượng đường tồn kho tăng cao kỷ lục như hiện nay.
Theo ông Hải, nếu như những năm trước đây, đường lậu Thái Lan đi vào Việt Nam chủ yếu qua khu vực biên giới Tây Nam, thế nhưng đến nay tình hình này ngày càng phức tạp và đang lan rộng trên cả nước. Các trùm buôn lậu đường hiện đã mở rộng địa bàn sang các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Phước và còn ra tới khu vực biên giới giáp Lào, nhất là khu vực Quảng Trị ra đến Nghệ An.
Ngoài vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại, còn một nguyên nhân nữa đang được nghi vấn liệu có phải đang tồn tại tình trạng doanh nghiệp găm hàng, chờ giá lên cao ? Sở dĩ điều này được đề cập tới là do trong năm 2016, khi tồn kho đường tại các nhà máy đường còn khá, đã có hiện tượng khan hiếm giả tạo và giá đường được đẩy lên cao không phù hợp với mặt bằng thị trường.
Một số doanh nghiệp sản xuất sữa, bánh kẹo và nước giải khát khi đó đã phản ánh lên Bộ Công Thương là không mua được đường để sản xuất và đề nghị cho nhập khẩu. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương đi kiểm tra ở một số nhà máy đường và phát hiện một số doanh nghiệp đã tích trữ, găm hàng chờ giá lên, gây sự khan hiếm giả tạo.
Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hải cho rằng, hiện vẫn chưa xác định được có hiện tượng găm hàng hay không, tuy nhiên vào thời điểm này doanh nghiệp muốn bán hàng ra cũng không được do lượng đường buôn lậu trên thị trường hiện rất lớn.
“Chết” trên sân nhà
Theo ước tính của các nhà máy đường, nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam trung bình 1,5 triệu tấn/năm, nhưng sản xuất của các nhà máy chỉ đáp ứng khoảng 1,2-1,3 triệu tấn. Thông thường, Bộ Công Thương phải nhập khẩu thêm mới đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, nhất là từ cuối tháng 12/2016 đến nay, tình hình tiêu thụ đường trong nước khá chậm, lượng đường lậu về nước có thể lên đến 400.000 tấn, tương đương với 1/3 lượng sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay.
Giá đường lậu hiện đang thấp hơn khá nhiều so với giá đường trong nước. Theo ghi nhận của VSSA, vào ngày 3/5, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội từ 15.600 - 16.300 đồng/kg, miền Trung từ 15.000 - 15.400 đồng/kg, Tp.Hồ Chí Minh từ 15.600 - 16.400 đồng/kg. Thế nhưng, giá đường Thái Lan nhập lậu ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) trong ngày 3/5 thì chỉ có 14.000 đồng/kg, ở Đông Hà 14.500 đồng/kg, ở biên giới Tây Nam 14.500 đồng/kg và ở Thành phố Hồ Chí Minh là 15.000 đồng/kg.
Điều đáng nói là khoảng cách giữa giá đường trong nước với giá đường nhập lậu đang được nới ra. Nếu như ngày 3/4, giá đường lậu ở Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn đường kính trắng trong nước từ 500 - 1.000 đồng/kg, thì đúng một tháng sau đó (ngày 3/5), giá đường lậu thấp hơn từ 600 - 1.400 đồng/kg.
Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho rằng, do không phải nộp thuế nhập khẩu hay thuế giá trị gia tăng nên đường nhập lậu thường có giá bán rẻ hơn so với đường trong nước. Đường lậu lại đang khá phổ biến trên thị trường, có thể được trà trộn thông qua các hình thức gian lận thương mại để bán công khai trên thị trường. Do vậy, với mức giá đường lậu như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước khó có thể đẩy mạnh tiêu thụ nếu như không có các đối tác truyền thống.
Còn theo bà Bùi Thị Quy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường cồn Long Mỹ Phát, giữa giá thành đường lậu và đường trong nước hiện đang có sự chênh lệch khá lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không thể hạ giá bán thấp hơn hay tương đương với giá đường lậu để đẩy mạnh tiêu thụ. Bởi trước đó, các doanh nghiệp đã phải nâng giá thu mua mía nguyên liệu để hỗ trợ nông dân yên tâm sản xuất.
Không những vậy, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều diện tích mía bị gãy đổ, mọc rễ nên chữ đường thấp hơn so với những niên vụ trước. Nếu như trước đây, trung bình 9 kg mía sẽ cho ra 1 kg đường, thì nay phải mất 11 kg mới được 1 kg đường.
“Chi phí thu mua nguyên liệu cao, kèm theo năng suất chất lượng giảm nên doanh nghiệp không thể hạ giá bán hơn nữa. Mấy năm trước, một số doanh nghiệp còn có thể xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, tuy nhiên với giá thành sản xuất đường của Việt Nam như hiện nay thì khó có thể cạnh tranh được về giá bán so với đường Thái Lan hay Brazil”, bà Quy cho biết.
Theo các doanh nghiệp, để hỗ trợ ngành đường phát triển, điều quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan quản lý phải có biện pháp siết chặt buôn lậu và kiểm soát các hoạt động gian lận thương mại. Mặt khác, trong bối cảnh tồn kho tăng cao, tiêu thụ gặp khó, việc nhập khẩu 89.500 tấn đường theo cam kết WTO dù không đáng kể nhưng cũng sẽ là một áp lực lớn cho doanh nghiệp.
Do đó, để hỗ trợ các nhà máy đường đẩy mạnh tiêu thụ, giảm lượng đường tồn kho đang quá cao hiện nay, mới đây, VSSA cũng có văn bản gửi Bộ Công Thương xem xét cho phép tổ chức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017 trong quý III/2017 và nhập khẩu đường hạn ngạch thuế quan năm 2017 trong quý IV/2017.