Việt Nam có thể trở thành đối tác lớn nhất của EU tại ASEAN

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Công Thương Việt Nam khi trả lời phỏng vấn Tạp chí CAP’IDF (Pháp)về tiềm năng thương mại giữa Việt Nam - EU khi Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ 2018.

Việt Nam và Liên minh châu Âu đã kết thúc cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) vào cuối năm 2015 và dự kiến có hiệu lực trong năm 2018. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, FTA mà Việt Nam và EU đã thống nhất mang tính toàn diện, chất lượng cao và cân bằng lợi ích cho cả hai bên.

Với đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại, đầu tư song phương là tính bổ sung mạnh mẽ, ít lĩnh vực cạnh tranh đối đầu, dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho doanh nghiệp hai bên.

Với cam kết mở cửa thị trường lên tới hơn 99% số dòng thuế và kim ngạch thương mại, thuế suất 0% sẽ được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản nhiệt đới, đồ gỗ... của Việt Nam và ô tô, máy móc-thiết bị, rượu bia, dược phẩm, nông sản ôn đới... của EU.

Tạp chí CAP’IDF của Pháp  đăng bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Về thương mại dịch vụ, cam kết của hai bên đều đi xa hơn cam kết trong khuôn khổ WTO. Các doanh nghiệp EU sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp EU có thế mạnh như dịch vụ tài chính-ngân hàng, phân phối, vận tải…

Các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của các nước EU nói chung và việc cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành từ cuối năm 2015, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực.

Hơn nữa trong Hiệp định này, Việt Nam có cam kết trong các lĩnh vực mới như mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ mức độ cao, chính sách cạnh tranh... Các cam kết này sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng; đồng thời đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước liên quan.

Trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU cũng đã thống nhất khuôn khổ cho các chương trình hợp tác và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. Khuôn khổ này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ triển khai các cam kết trong Hiệp định, v.v. hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Trả lời báo Pháp, Bộ trưởng Công Thương khẳng định: Thông qua EVFTA, kỳ vọng của Việt Nam đối với thị trường EU tập trung ở 3 lĩnh vực:

Thứ nhất, tăng trưởng kim ngạch giao thương hai chiều nhảy vọt. Việc thực thi các cam kết mở cửa thị trường có khả năng thúc đẩy kim ngạch hai chiều đạt khoảng 100 tỷ USD/năm.

Thứ hai, thu hút đầu tư từ 28 nước thành viên EU: Hiện nay EU là nhà đầu tư lớn nhất ở một số thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ hay ngay trong khu vực ASEAN nhưng chưa phải là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Thứ ba, việc mở cửa thị trường, đảm bảo thực hiện các cam kết đã ký tạo ra động lực cũng như sức ép cải cách đối với nền kinh tế Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam, tác động cộng hưởng của EVFTA và các FTA đã ký là rất lớn, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới doanh nghiệp Việt Nam.

Theo thống kê của Ủy ban Liên minh châu Âu, trong năm 2015, Việt Nam là đối tác Thương mại lớn thứ 2 của Liên minh châu Âu tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, với tỷ trọng 19,1% trong tổng kim ngạch thương mại giữa EU và ASEAN.

“Khi Hiệp định EVFTA được ký kết và dự kiến có hiệu lực trong năm 2018, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam có thể trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU tại khu vực ASEAN”, Bộ trưởng nói.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Ngành dược và dệt may Việt Nam có cơ hội bứt phá khi EVFTA có hiệu lực
Ngành dược và dệt may Việt Nam có cơ hội bứt phá khi EVFTA có hiệu lực

Ngành dược và dệt may là hai ngành công nghiệp của Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (dự kiến vào năm 2018).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN