Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, quan hệ hợp tác Việt Nam – Cuba không ngừng phát triển trong nhiều năm qua trên mọi lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật và văn hóa. Trong những năm gần đây với sự nỗ lực của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cuba các hoạt động hợp tác giữa hai bên liên tục được mở rộng và phát triển, đặc biệt là hợp tác thương mại, đầu tư đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 335 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Cuba tại khu vực châu Á. Về đầu tư, một số dự án của doanh nghiệp Việt Nam tại Cuba đã đi vào sản xuất, cung cấp sản phẩm ra thị trường Cuba trong năm 2019 như nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng của liên doanh SANVIG, nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng của Công ty Thái Bình.
Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, Việt Nam và Cuba cũng từng bước đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực y dược, hai bên không chỉ hợp tác xuất nhập khẩu dược phẩm, vắc xin, sản phẩm công nghệ sinh học và còn liên kết hợp tác và nghiên cứu hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất dược phẩm ở cả Việt Nam và Cuba. Y dược là một trong những thế mạnh nổi trội của Cuba hiện nay, vì vậy việc hợp tác trong lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ là yếu tố góp phần quan trọng làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Cuba sang Việt Nam.
Ông Rodrigo Malmierca Diaz, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba cho biết, mục tiêu của Cuba hiện nay là đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài, từng bước hình thành các đặc khu phát triển công nghiệp, dịch vụ. Để thực hiện được mục tiêu đó, Cuba đang nổ lực cải cách chính sách giá cả, xóa bỏ chế độ bao cấp và công nhận vai trò của kinh tế thị trường. Song song đó, Cuba cũng cải thiện các giải pháp thanh toán và đẩy mạnh việc hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Theo ông Rodrigo Malmierca Diaz, mặc dù Việt Nam đang là một trong những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Cuba nhưng những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai Chính phủ. Vì vậy, thời gian tới hai bên cần tăng cường trao đổi thương mại hàng hóa, mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Cuba, ngược lại Cuba cũng sẽ xuất khẩu dịch vụ y tế với các bệnh viện công và tư của Việt Nam.
Bà Anna Terresa, Tổng Giám đốc đặc khu ZED Mariel cho biết, về đầu tư, Cuba cam kết gia tăng các chính sách ưu đãi và cam kết bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, nhà nước đảm bảo duy trì các ưu đãi đã cấp trong suốt thời hạn của dự án, nhà đầu tư có thể tự do chuyển ra nước ngoài bằng ngoại tệ, chuyển đổi mọi khoản lợi nhuận. Cuba cũng đang đổi mới quy định để đẩy nhanh quy trình đàm phán và cấp phép đầu tư thông qua hệ thống một cửa.
Theo bà Anna Terresa, mặc dù Việt Nam – Cuba có khoảng cách địa lý khá xa nhưng đó không còn là vấn đề lớn cản trở việc hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước. Ngược lại, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sau và hướng đến nhiều thị trường mục tiêu xa hơn thì Cuba là một trong những lựa chọn đầu tư hiệu quả. Với thế mạnh sản xuấ hàng tiêu dùng, gia dụng, Việt Nam có thể thúc đẩy sản xuất để khai thác thị trường Cuba và nhiều nước khu vực Nam Mỹ khác.
Ngược lại, thông qua Việt Nam, Cuba cũng có cơ hội giao lưu và mở rộng hợp tác với các quốc gia châu Á. Điều đó không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam – Cuba ngày càng bền vững mà còn góp phần củng cố vị thế của mỗi quốc gia trong quan hệ với khu vực và quốc tế.