Với sự tham gia của hàng chục tập đoàn, công ty lớn của Pháp, đại diện cho tất cả các lĩnh vực kinh tế của Pháp, hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế Pháp đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp có xu hướng tái cơ cấu chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nhằm đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư để tránh phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác và tìm kiếm các địa điểm đầu tư mới an toàn và hiệu quả.
Ông François Corbin, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-Pháp, phó Chủ tịch MEDEF International, đánh giá rằng một số lượng rất lớn các tập đoàn và doanh nghiệp tham gia vào hội nghị trực tuyến này là minh chứng rõ nét nhất về sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam.
Việt Nam nằm ở trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khu vực hứa hẹn nhất trên thế giới trong vài năm tới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực hiện các bước đi mở cửa và cải cách dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng đáng khích lệ. Điều đáng chú ý là Việt Nam có thể sẽ giữ tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của COVID-19 đến các hoạt động kinh tế. Những đặc điểm nội tại này khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương khẳng định rằng quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược năm 2013. Việt Nam là nước ASEAN thứ hai sau Singapore và nước đang phát triển đầu tiên ở châu Á ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với EU, mở thêm cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam và Pháp tiếp cận thị trường của nhau.
Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội cho Việt Nam và các nước thành viên EU sẽ đi vào thực chất, bền vững, hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương nhấn mạnh rằng việc thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện một cách chủ động, có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp, Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba và nhà đầu tư lớn thứ hai châu Âu ở Việt Nam. Hội nghị trực tuyến lần này là dịp để các nhà quản lý chính sách của Việt Nam đối thoại với các doanh nghiệp Pháp, cùng nhau chia sẻ về những xu hướng đầu tư mới, giải pháp cải cách môi trường đầu tư của Việt Nam, đồng thời đưa ra những đề xuất, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, hướng đến sự thành công khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư, để tập trung tháo gỡ những nút thắt về đầu tư, thu hút các dự án có chất lượng và quy mô vốn lớn.
Phiên trả lời câu hỏi về cơ bản đã giải đáp hầu hết các khúc mắc của các doanh nghiệp Pháp, nhất là về các dự án đầu tư ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới, cũng như các biện pháp để tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đang triển khai tại Việt Nam. Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi thông tin về những vấn đề cần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt - Pháp, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút đầu tư của Pháp vào những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, trong đó chú trọng đến những lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của các tập đoàn có uy tín của Pháp trên trường quốc tế.