Đây là nhận định của Musa Kpaka, Cố vấn cấp cao tại Viện nghiên cứu Tony Blair ở Sierra Leone với tư cách là Trưởng nhóm cố vấn kỹ thuật của Văn phòng Tổng thống, đưa ra trong bài viết vừa đăng tải trên trang theafricareport.com.
Bài viết đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong ba thập kỷ qua. Trong khoảng thời gian hơn 30 năm, Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm là 7%. Việt Nam cơ bản đã xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và hướng đến cải thiện đời sống của hàng triệu người dân.
Bài viết lưu ý Việt Nam có thể đạt được những tiến bộ vượt bậc dù cũng có một lịch sử thuộc địa lâu dài và nhiều thập kỷ chiến tranh như các nước ở châu Phi. Tác giả nêu ra những yếu tố then chốt tạo nên sự thành công của Việt Nam như ngày nay là đội ngũ lãnh đạo chính trị mạnh mẽ, một nhà nước sẵn sàng làm việc với lĩnh vực tư nhân, chính sách và đầu tư vào nguồn nhân lực.
Với mục tiêu đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam đang tìm kiếm các thị trường cận biên và cơ sở sản xuất mới. Dù là một nền kinh tế thiên về xuất khẩu, với giá trị xuất khẩu chiếm 201% GDP, thương mại của Việt Nam với châu Phi còn hạn chế. Tác giả bài viết cho rằng nếu hai bên hợp tác tốt, các quốc gia châu Phi có thể thu được nhiều lợi ích từ cách tiếp cận của Việt Nam đối với châu lục.
Theo bài viết, Việt Nam đang mang đến cơ hội học hỏi và phát triển chung. Chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin và học hỏi cùng làm là một trong những lĩnh vực Việt Nam đang đặt ra cho “lục địa đen”. Để tận dụng lợi thế này, các chính phủ châu Phi đang tìm kiếm quan hệ đối tác với Việt Nam.
Bài viết kết luận mô hình hợp tác phát triển toàn cầu đang thay đổi và châu Phi cần các đối tác phi truyền thống để học hỏi và phát triển cùng. Việt Nam là một trong những đối tác như vậy.