Trong buổi tọa đàm hai bên đã trao đổi thông tin và quan điểm về các chính sách, hiện trạng cũng như tiềm năng phát triển hợp tác song phương trong khuôn khổ khung Thỏa thuận Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (SPA).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Sonnema cùng chung nhận định: phát triển chuỗi giá trị bền vững đóng vai trò xương sống trong hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan, với cách tiếp cận hướng đến nhu cầu của khách hàng, tính hiệu quả của sản xuất chứ không tập trung vào sản lượng. Công nghệ Hà Lan sẽ góp phần phát triển chuỗi giá trị bền vững bằng cách giảm tổn thất sau thu hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Sonnema đồng ý Hà Lan và Việt Nam sẽ cùng xây dựng và phát triển lộ trình ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch.
Hai bên trao đổi và thống nhất hướng hợp tác trong khuôn khổ SPA trong những năm tới là tiếp tục hợp tác chuyển đổi nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước vấn đề dịch bệnh nói chung và đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi gây ra những hậu quả và tổn thất lớn cả về kinh tế và xã hội, Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển vùng sạch dịch bệnh. Hai bên cũng đã trao đổi các vấn đề kiểm dịch động thực vật.
Hà Lan và Việt Nam là 2 quốc gia có nhiều điểm tương đồng và là đối tác lâu năm trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về phát triển nông nghiệp và quản lý tài nguyên. Những năm qua, Hà Lan là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong việc chia sẻ những kinh nghiệm phát triển, quản lý nước và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Đã có nhiều chương trình, dự án do Chính phủ và người dân Hà Lan hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như: phát triển khí sinh học, cải thiện an toàn thực phẩm, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn Hà Lan cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp với cách thức đổi mới trong sản xuất, đầu tư và kinh doanh nông nghiệp, ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh để phát huy lợi thế của nông nghiệp Việt Nam theo từng vùng sinh thái và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Qua đó giúp cải thiện đời sống nông dân và góp phần tăng trưởng thương mại song phương.