Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Thường trực Bộ Năng lượng Thái Lan Kulit Sombatsiri cho biết là nước chủ nhà Diễn đàn Năng lượng Việt Nam - Thái Lan lần thứ 2, Thái Lan mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và thúc đẩy hợp tác thực chất về năng lượng giữa hai nước. Diễn đàn lần này tập trung trao đổi thông tin về các chính sách năng lượng quốc gia của mỗi nước. Đồng thời, hai bên cùng thảo luận về các cơ hội đầu tư và thương mại trong lĩnh vực năng lượng.
Về phần mình, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nêu bật sau 7 năm kể từ Diễn đàn Năng lượng Việt Nam - Thái Lan lần thứ nhất tại Quy Nhơn, Bình Định năm 2015, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng đã có nhiều kết quả hết sức tích cực. Thái Lan là một trong những nhà đầu tư quan trọng tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, với những dự án tiêu biểu như Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị; Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam… Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Thái Lan đã và đang đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Dầu khí quốc gia Thái Lan (thông qua các đơn vị thành viên) cũng đang có hoạt động hợp tác trong một số dự án hợp tác thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam và ở Algeria.
Khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác năng lượng với Thái Lan, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh việc tổ chức Diễn đàn lần thứ 2 là hành động cần thiết, kịp thời và có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh ngành năng lượng toàn cầu thời gian qua đối mặt với nhiều khó khăn, giúp hai bên tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về nhu cầu hợp tác năng lượng của mỗi nước, trao đổi, giải quyết các mối quan tâm chung, giúp tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực năng lượng, góp phần vào việc thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường từ năm 2015 giữa hai nước.
Trong các phiên thảo luận, các đại biểu của hai đoàn đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về nhiều vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng ở hai nước như Kế hoạch Phát triển năng lượng quốc gia, phát triển dầu mỏ và khí đốt, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả ở mỗi nước, tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng đối với nền kinh tế Việt Nam, các dự án phát triển năng lượng ở Thái Lan. Hai nước có mục tiêu chung là chuyển đổi sang năng lượng sạch để giảm thiểu tác động từ việc biến đổi khí hậu. Hiện Thái Lan đang xây dựng một Kế hoạch Năng lượng quốc gia 2022 (NEP2022) với tiêu chí “Phát triển xanh, đảm bảo an ninh năng lượng cho một tương lai năng lượng bền vững”. Trong khi đó, Kế hoạch Phát triển Năng lượng 2022 (PDP 2022) của Thái Lan đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trong hệ thống sản xuất điện lên ít nhất 50% đối với các nhà máy điện mới từ nay cho tới năm 2040, nhằm hỗ trợ nước này đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Ông Kulit nhấn mạnh định hướng chính sách năng lượng mới này của Thái Lan rất phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia lần thứ 8 của Việt Nam (PDP8).
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu khối nhà tư nhân của hai nước Việt Nam và Thái Lan cũng đã cùng thảo luận về các cơ hội hợp tác kinh doanh năng lượng trong tương lai. Hai bên cũng thảo luận việc mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư, trao đổi kiến thức, công nghệ; đổi mới trong thăm dò dầu khí và sản xuất năng lượng sạch; hợp tác phát triển các nhiên liệu mới của tương lai như hydro và amoniac để cùng nhau thúc đẩy an ninh năng lượng và năng lượng bền vững. Các ý kiến đều đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam và cho rằng Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng với khả năng sinh lợi cao. Các doanh nghiệp hai nước cũng đã có các cuộc tiếp xúc để tìm hiểu thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với nhau.