Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) về sự tham gia của ngành ngân hàng trong việc tạo nguồn vốn thông suốt hỗ trợ kịp thời, từng bước khôi phục, thúc đẩy nền kinh tế sau dịch.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động bất lợi đến sản xuất và nền kinh tế, ngành ngân hàng được đánh giá là đi đầu trong chia sẻ khó khăn với khách hàng. Xin ông chia sẻ rõ hơn về điều này?
Nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để cụ thể hóa Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời và chủ động ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020 tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Đối với với các đối tượng chính sách sách, người nghèo, người yếu thế trong xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay... nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh.
Đồng thời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay; điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp để dành nguồn lực chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng....
Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải công khai, minh bạch các thủ tục, điều kiện đối với khách hàng; chủ động cân đối sẵn sàng nguồn vốn để đầu tư cho những phương án, dự án khả thi, coi cho vay mới hỗ trợ phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng vay vốn, nhưng không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động ngân hàng trong những năm tới.
Về lãi suất, tiếp theo 2 đợt điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất từ cuối năm 2019, từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước giảm liên tiếp 2 lần các mức lãi suất nhằm ổn định và giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động đề xuất Chính phủ cho vay tái cấp vốn số tiền khoảng 16 nghìn tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Chính sách Xã hội cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh với lãi suất 0% và đã ban hành Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 hướng dẫn triển khai theo đúng tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt, miễn, giảm phí giao dịch thanh toán và phát triển công nghệ, dịch vụ ngân hàng.
Ông đánh giá như thế nào về tác động của dịch COVID-19 đến khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới?
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, tác động đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đối với hoạt động ngân hàng, do tác động của dịch COVID-19, cầu tín dụng giảm, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4/2020 tăng 1,42% so với cuối năm 2019.
Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng là khoảng 1,8 đến 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với một hệ thống chính sách mạnh mẽ, kiên quyết, vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa hướng tới mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua sẽ là nền tảng quan trọng giúp tăng sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực lên đời sống của người dân. Đây cũng là cơ sở và động lực cho tái khởi động nền kinh tế sau dịch bệnh, kéo theo đó nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp có nhiều khả năng sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Để góp phần hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen, đặc biệt thời gian gần đây do tác động của dịch COVID-19, ngành ngân hàng có chính sách và giải pháp hỗ trợ nào cho người dân, thưa ông?
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bị giảm doanh thu, thu nhập hoặc phải hoạt động cầm cự, thậm chí nguy cơ phá sản, ngành ngân hàng đã có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Qua đó, giảm áp lực trả nợ vay đến hạn trong bối cảnh khó khăn, góp phần hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2018; trong đó nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ nhằm đáp ứng tốt hơn nguồn vốn cho người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi tín dụng đen hoạt động mạnh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, có hiệu lực từ 1/1/2020 nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen ở các địa bàn này.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng chú trọng cải cách hành chính, tăng cường số hóa, ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại đến người dân với nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng. Theo công bố mới đây, Ngân hàng Nhà nước 5 năm liên tục đứng đầu các bộ, ngành Trung ương trong Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính Par-Index.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội, các tổ chức tài chính vi mô… còn đẩy mạnh cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc đáp ứng nhu cầu vốn cho xã hội, đẩy lùi tín dụng đen được thực hiện thông qua tăng cường sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới của Ngân hàng Chính sách Xã hội tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có các điểm giao dịch tại hầu hết các xã để hỗ trợ tài chính cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đến nay, dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt hơn 211 nghìn tỷ đồng với hơn 6,5 triệu hộ còn dư nợ; trong đó dư nợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt hơn 112 nghìn tỷ đồng.
Góp phần quan trọng vào việc nâng cao kiến thức tài chính và khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân phải kể đến các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính được ngành ngân hàng tích cực triển khai như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”...
Tuy nhiên, để hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, không chỉ ngành ngân hàng mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng, các quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng đen tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Cùng đó, các ngành liên quan đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức về tài chính ngân hàng và khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đối với công chúng, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, hạn chế người dân phải tìm đến tín dụng phi chính thức.
Ngành ngân hàng cũng cần sự phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và người dân trong việc tham gia đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tín dụng đen.
Xin cảm ơn ông!
Bài cuối: Vốn rẻ sẵn sàng, tiếp cận và sử dụng sao cho hiệu quả?