Vốn nước ngoài đổ mạnh vào thị trường chứng khoán

Điểm sáng trên thị trường chứng khoán vừa qua là thanh khoản cao, hai sàn đều tăng điểm tốt và khối ngoại mua ròng trở lại sau chuỗi thời gian bán ròng.

Nhìn lại thời gian giao dịch từ tháng 5 đến cuối tháng 7, khối ngoại liên tục có những thời điểm mua ròng, qua đó, lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã được đưa vào thị trường.

 

Giao dịch tại sàn chứng khoán BVSC. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Cụ thể, trong tháng 5, khối ngoại mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng, tháng 6 là hơn 1.470 tỷ đồng. Và gần đây, sau chuỗi 12 ngày liên tiếp của tháng 8, khối ngoại bán ròng 1.400 tỷ đồng, thì vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9, dòng vốn ngoại đã quay lại mua ròng gần 1.300 tỷ đồng. Theo phân tích của các công ty chứng khoán, nhiều cổ phiếu trong nước, không chỉ ở nhóm blue-chip, dầu khí... mà ngay cả các mã cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng đang có sức hút lớn và mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư.


Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư, phòng nghiên cứu Công ty cổ phần chứng khoán Maritime bank, hệ số giá trên thu nhập một cổ phần (chỉ số P/E) hiện đang được đánh giá là một yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư. So với mặt bằng chung các nước trong khu vực thì chỉ số P/E của Việt Nam là thấp nhất. Điều này cho thấy đối với các khoản mục đầu tư thì các cổ phiếu cũng có sự hấp dẫn lớn và đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có kỳ vọng cao vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong nước.


Theo thống kê của Bloomberg, trong 8 tháng qua, các Quỹ đầu tư từ Thụy Điển, đến Nam Phi… đã mua ròng cổ phiếu doanh nghiệp Việt Nam tới hơn 277 triệu USD, tương đương 5.800 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2013.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Việt, Giám đốc khối tư vấn chăm sóc khách hàng, Công ty chứng khoán IRS cho rằng, khối ngoại trong những tuần qua đã quay trở lại mua ròng, cùng với lực mua ròng mạnh thời điểm những tháng trước đó. Qua đó, có thể đánh giá rằng, có sự kỳ vọng mới vào sự tăng trưởng của thị trường của nhóm nhà đầu tư này. Bởi xét về định giá nhiều cổ phiếu đầu ngành, hay các mã blue-chip, khi chỉ số P/E ở mức 9 - 10 thì các tổ chức đầu tư có xu hướng giảm mua và tăng bán.

 

Nhưng giai đoạn vừa qua, có thể nhận thấy một sự kỳ vọng mới của dòng vốn ngoại vào nền kinh tế nói chung và cổ phiếu hàng đầu Việt Nam nói riêng. Nhiều cổ phiếu có chỉ số P/E đạt trên mức 10, nhưng vẫn tiếp tục có bứt phá như các mã PVS, PVD, FPT, VCB... Như vậy, các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đối với sự kỳ vọng vào chỉ số và thị trường trong nước đã nâng lên 1 mức và có sự định giá lại cao hơn.


Ví dụ, với cổ phiếu VCB, trước đây, các nhà đầu tư thường kỳ vọng mức giá xung quanh ngưỡng 26.000 - 27.000 đồng/cổ phiếu. Khi đến vùng giá đó thì khối ngoại bán ròng VCB và cổ phiếu này đi xuống. Tuy nhiên, hiện VCB đã điều chỉnh tăng khoảng 10%, đứng giá ở mức hơn 28.000 đồng đến 29.000 đồng/cổ phiếu và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua vào khá lớn. Rõ ràng là mức giá cho thấy sự kỳ vọng lớn hơn từ khối ngoại vào thị trường và một số cổ phiếu nhất định, ông Việt dẫn chứng.


Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tại, so với các kênh đầu tư khác như vàng, gửi tiết kiệm hay bất động sản, chứng khoán với những biến động tích cực vẫn được đánh giá là kênh đầu tư có triển vọng. Trong khi thị trường vàng đã ổn định và biên độ dao động giá không cao; tỷ giá và kênh gửi tiết kiệm cũng đã kém phần hấp dẫn đi rất nhiều. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn và khó kích thích hoạt động đầu cơ.

Theo ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty chứng khoán Alpha, khối ngoại trong những tuần qua mua vào khá nhiều ở các mã blue-chips, bất động sản, dầu khí... những nhóm ngành này chịu ảnh hưởng và tác động lớn từ phát triển kinh tế của Việt Nam. Thêm nữa, những cổ phiếu này có vốn hóa lớn, với mức thanh khoản tốt... Và đương nhiên, khi kỳ vọng vào nền kinh tế có những bước phát triển, có những tín hiệu, thông tin tốt tác động từ trong nước và quốc tế, dòng vốn ngoại sẽ rất khó bỏ qua những mã ngành này.


Ông Cường cũng dự báo, với thông tin vĩ mô khả quan như nền kinh tế trên đà phục hồi và tình hình kinh doanh khởi sắc của các công ty, chỉ số VN-Index có thể tăng lên 650 điểm vào cuối năm và đạt 700 điểm vào năm sau. Khối ngoại mới mua ròng trở lại trong một vài tuần gần đây và thời gian tới, nhiều khả năng, dòng tiền này sẽ tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam, không chỉ các mã blue-chips mà ngay cả các cổ phiếu vừa, nhỏ cũng sẽ được mua vào nhiều hơn.


Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán cho rằng để có thể thu hút được làn sóng đầu tư thực sự lớn từ các nguồn vốn nước ngoài, đã đến lúc, Việt Nam cần thực hiện tốt việc tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện tính minh bạch thị trường chứng khoán hơn nữa. Đồng thời, các cơ quan chức năng có thể xem xét việc nới room cho khối ngoại nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư của khối này để họ có thể tham gia đầu tư vào thị trường nhiều hơn.

Đức Dũng

Vốn ngoại 'chảy' mạnh vào thị trường chứng khoán

Mặc dù giá trị thị trường chứng chứng khoán quý II/2014 vẫn thấp hơn quý I, nhưng vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, giá trị cổ phiếu mua vào đạt hơn 16.331 tỷ đồng, cao hơn quý I/2014 khoảng 464 tỷ đồng; giá trị cổ phiếu bán ra chỉ hơn 11.190 tỷ đồng, thấp hơn quý I khoảng 3.800 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN