Hàng hóa không lưu thông khiến việc tiêu thụ nông sản trong nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng cũng bị ảnh hưởng nặng nề, giá cả xuống thấp khiến nhiều nông dân trồng dưa tại Gia Lai đứng trước nguy cơ “không có tết”.
Vụ “dưa đắng”
Thời điểm này, hàng chục ruộng dưa tại xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông) đang bước vào vụ thu. Thế nhưng, chưa kịp vui với vụ dưa mới, hàng trăm nông dân trồng dưa buồn thảm khi giá dưa hấu xuống thấp. Bước vào thời gian cao điểm của vụ thu hoạch năm 2021, giá dưa hấu đột ngột giảm sâu từ 7.000 đồng/kg xuống còn chỉ từ 2.500 đến 3.000 đồng/kg, điều này khiến nhiều nông dân trồng dưa hấu ở Gia Lai bị lỗ nặng.
Bao năm qua, gia đình chị Văn Thị Toán đã quen với “mùi đất dưa hấu” nơi vùng biên đầy nắng gió. Giá dưa hấu ổn định đã giúp gia đình chị có thu nhập qua mỗi mùa dưa. Thế nhưng, vụ dưa 2021 đang khiến gia đình chị như ngồi trên đống lửa vì giá rớt thê thảm. Sau 3 tháng thuê đất để đầu tư vào 2 ha dưa hấu ở xã biên giới Ia Mơr, đến thời điểm thu hoạch, giá dưa hấu chỉ còn dưới 3.000 đồng/kg tại ruộng. Trong khi chi phí đầu tư cho 1 ha dưa hấu hiện tại rơi vào khoảng 160 triệu đồng, năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha thì người nông dân cầm chắc phần lỗ trong tay.
Chị Văn Thị Toán, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai buồn rầu chia sẻ, vụ dưa năm nay gia đình chị đầu tư với 1 ha là 160 triệu, công lao động bữa nay cũng cao. Nhưng năm nay nhà vườn thu mua 3.000 đồng/kg nên chắc chắn là lỗ 40 triệu đồng/ha.
Cùng cảnh ngộ với chị Văn là gần 100 ha dưa của nhiều hộ nông dân thuê đất trồng dưa tại xã Ia Mơ. Giá dưa sụt giảm sâu nhưng cũng không phải dễ dàng tiêu thụ được sau khi có thông tin ùn ứ hàng nông sản ở các cửa khẩu giáp Trung Quốc. Nhiều nông dân lần lữa để chờ giá lên nhưng giá mua càng ngày càng tụt mạnh, thậm chí nhiều thương lái còn không dám mạo hiểm mua hàng khiến nhiều ruộng dưa đúng trước nguy cơ mất trắng.
Ông Nguyễn Văn Thải, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, giá dưa hấu đầu vụ ở mức 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giờ Trung Quốc đóng cửa khẩu, không xuất khẩu được nên tụt xuống 2.500 đồng/kg, tính ra 1 sào lỗ 6 triệu đồng.
Không chỉ tại xã Ia Mơr, tại xã biên giới Ia Lâu, hàng chục ha dưa hấu của người dân cũng đang chịu cảnh “phơi đồng” khi không thể tiêu thụ được.
Cách đây hơn 3 tháng, vợ chồng chị Tô Thị Hiệp (42 tuổi) từ tỉnh Bình Định đến xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai thuê 32 sào đất (một sào 500m2) để trồng dưa. Chưa tính công của 2 vợ chồng, chỉ riêng tiền thuê đất, phân bón, giống và thuê nhân công đã ngót nghét 250 triệu đồng. Tuy nhiên, sau bao vất vả, đến nay vườn dưa hấu đã đến kỳ thu hoạch thì không có người tới hỏi mua. "Năm ngoái đến giờ là thương lái đến tranh nhau hỏi mua dưa hấu, phu gánh dưa thuê đã kéo về nườm nượp. Hiện đã vào vụ dưa rồi nhưng chờ mãi vẫn không thấy thương lái tới hỏi mua"- chị Hiệp rầu rĩ.
Cách ruộng dưa nhà chị Hiệp không xa, ruộng dưa 30 sào của ông Nguyễn Văn Tân (47 tuổi, quê Bình Định) cũng đã đến kỳ thu hoạch nhưng phải chịu cảnh phơi đồng. Thấy chúng tôi vào, ông “tay bắt mặt mừng” khi tưởng là thương lái vào hỏi mua dưa. Ông Tân cho biết, hàng ngày lên mạng tìm đọc báo xem tình hình ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc như thế nào. Ngoài ra, gọi hỏi các vườn dưa lân cận xem có thương lái nào tới thu mua dưa hay không. Tuy nhiên, kết quả chỉ những thương lái đã đặt cọc tiền từ trước, không muốn mất cọc nên mới tới thu mua với số lượng rất hạn chế.
Nỗ lực giúp dân tiêu thụ
Hiện nay, ở tỉnh Gia Lai có hàng nghìn ha dưa hấu canh tác rải rác. Phần lớn diện tích này là của người dân ngoại tỉnh từ Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên… lên thuê đất canh tác. Diện tích trồng dưa hấu hầu hết là tự phát nên gần như chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp không nắm sát được để có những thông tin về thị trường và khuyến cáo kịp thời. Điều này đã khiến không chỉ dưa hấu mà mặt hàng trái cây những năm gần đây liên tục gặp phải những mùa trái đắng.
Theo ông Nguyễn Tấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, địa bàn xã Ia Mơr hiện nay có khoảng 100 ha dưa hấu, hiện tại mới thu được 50 ha. Với giá bán như hiện nay thì bà con bị lỗ mấy chục triệu đồng/ha nên rất mong có chính sách hỗ trợ một phần cho người dân.
Còn theo ông Ngô Ngọc Tiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, trước mắt, chúng tôi đang nỗ lực tuyên truyền, kêu gọi người dân chung tay “giải cứu” dưa cho bà con. Bên cạnh đó, cắt cử các cán bộ, lực lượng chức năng đi rà soát, kiểm soát giá… nhằm ngăn chặn tình trạng tiểu thương ép giá người trồng dưa.
Ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu cũng cho biết, năm nay ngoài người dân địa phương, các nông dân trồng dưa ở các tỉnh lên địa phương thuê đất trồng dưa, diện tích ước khoảng 60 ha. Từ nửa tháng trước, nhiều hộ trồng dưa còn bán được giá 5.000 - 6.000 đồng/kg. Đến nay thì thương lái không còn đến thu mua, những vườn dưa bắt đầu thu hoạch đành để ngoài ruộng chờ. “Nếu trong những ngày tới không có thương lái tới thu mua thì sẽ đề xuất, kêu gọi người dân, tổ chức trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ dưa giúp nông dân”- ông Công cho biết.
Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, các thương lái đã cọc tiền dưa từ trước cũng đang cùng nông dân trồng dưa tiêu thụ. Bà Trần Thị Tuyết Nhung, thương lái từ Bình Định tới xã Ia Lâu, huyện Chư Prông mua dưa hấu cho biết: Ngoài lượng dưa đã đặt cọc, chúng tôi cũng đang có kế hoạch gom thêm dưa hấu giúp bà con, số dưa sau thu mua cũng đem đi bán ở các tỉnh thành trong nước chứ không thể xuất bán sang Trung Quốc như những năm trước.
Về phía tỉnh Gia Lai, theo ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay, tỉnh đã giao cho Sở Công Thương hỗ trợ nông dân tiêu thụ mặt hàng dưa hấu thông qua các sàn thương mại điện tử. Các tổ hỗ trợ sẽ trực tiếp đăng tải thông tin các mặt hàng nông dân lên hệ thống các sàn điện tử. Từ đó, kết nối tiêu thụ không chỉ mặt hàng dưa hấu mà còn nhiều mặt hàng khác với các tỉnh, thành trong cả nước.