Thế giới đang trong đại dịch thế kỷ. Dịch COVID-19 dù là thách thức khách quan, nhưng tâm thế và cách thức mà mỗi quốc gia ứng phó với dịch bệnh đang tạo nên sự khác biệt. Trải qua hơn 6 tháng đương đầu, đến nay, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Không chỉ có vậy, để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép là "phòng - chống dịch bệnh" và "phát triển kinh tế - xã hội hợp lý, hài hoà", Việt Nam đã và đang nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tái khởi động nền kinh tế.
Bình luận về những giải pháp đã triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước dịch COVID-19, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, không giống như cuộc chiến chống “giặc COVID-19”, cuộc chiến chống “giặc tụt hậu” trong hành trình tái khởi động, phục hồi và phát triển nền kinh tế đòi hỏi những kỹ năng và nỗ lực gấp bội.
Vì thế, những giải pháp để có thể đạt được mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm 2020 cần phải mạnh hơn, quyết liệt và triệt để hơn... Ngoài chủ trương thúc đẩy đầu tư công, các chính sách tài khoá khác dường như còn dè dặt khi chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc giãn, hoãn thời hạn nộp thuế, phí cho doanh nghiệp. Khi tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp làm ăn không có lãi thì việc giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa có lẽ cũng không đem lại nhiều ý nghĩa.
"Tôi thiết nghĩ với mức nợ công hiện tại là 56% GDP, chúng ta vẫn còn dư địa để thực hiện các biện pháp giãn, hoãn cắt, giảm thuế với liều lượng mạnh hơn. Thậm chí, có thể kéo dài hơn thời hạn giãn, hoãn các khoản thuế, phí phải nộp tới 12 tháng, thay vì chỉ 3 hay 6 tháng", ông Lộc nhấn mạnh.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, khi đã tiên phong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp với hai lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành trong những tháng đầu năm. Chưa kể mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát để ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 (Thông tư 01/2020/TT-NHNN) để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế và hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ngành này cũng tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tổng giám đốc Vicem Hạ Long Hoàng Anh Đức chia sẻ, Vicem Hạ Long tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt phần giãn nợ đã động viên và tiếp sức đáng kể cho doanh nghiệp. Vicem Hạ Long được giãn thời hạn nộp thuế hơn 3 tháng, cùng đó cũng được cơ cấu lại lãi suất và giảm lãi vay ngân hàng. Với khoản nợ cũ, phần nợ dài hạn của ngân hàng đồng tài trợ cho vay cũng được giãn khoảng 4-5 tháng, lùi đến tháng 10 mới phải trả.
Theo ông Hoàng Anh Đức, những hỗ trợ này rất thiết thực giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Trước đây, đến hạn, nếu công ty không trả được thì phải làm đề nghị giãn nợ và lãi suất sẽ tăng lên. Nếu vẫn tiếp tục không trả đúng hạn thì phía ngân hàng sẽ xem xét để hạ mức tín dụng.
Tuy nhiên, từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Lộc cho biết, chính sách về lãi suất trung và dài hạn hiện vẫn chưa thực sự cho thấy những tác động rõ nét đối với hoạt động của doanh nghiệp. Việc cơ cấu lại nợ về thời hạn và lãi suất, hiện chỉ mới giúp “cầm máu” mà chưa giúp “chữa lành được vết thương" và tạo nên động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp.
Do đó, ông Lộc kiến nghị, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sớm nghiên cứu ban hành một gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong các ngành như du lịch, hàng không... Tất nhiên, gói này cần có giới hạn phù hợp để ngăn ngừa lạm phát có nguy cơ quay trở lại.
Nhìn từ thực tiễn, một số chuyên gia kinh tế phân tích, Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và sâu hơn. Bởi có không ít doanh nghiệp đã, đang và sắp phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc phá sản trước khi được nhận sự hỗ trợ để cải thiện dòng tiền.
Vì vậy, chính sách tạo dòng tiền vào doanh nghiệp lúc này rất quan trọng và cần hiệu quả hơn. Thậm chí, phải “bơm” tiền thật để doanh nghiệp tái khởi động “cỗ máy” kinh doanh. Việc này có thể thực hiện thông qua các định chế tài chính thuộc sở hữu Nhà nước, hoặc mở rộng các chương trình bảo lãnh tín dụng của Nhà nước sang các ngân hàng tư nhân.
Từ thực tiễn, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho hay Chính phủ và các bộ, ngành đã kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh. Cùng với đó là nỗ lực và sáng tạo của doanh nghiệp trong tái khởi động sau bão dịch. Vinatex đã tập trung làm việc với các nhà cung cấp như: Uniqlo, H&M, Zara để chuyển nguồn cung ứng nguyên liệu vào Việt Nam đáp ứng điều kiện về nguồn gốc xuất xứ theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Làm các đơn hàng thử nghiệm, nhỏ, yêu cầu cao; sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế nhằm duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động bình thường ngay khi thị trường "ấm" trở lại.
Doanh nghiệp cũng ghi nhận, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý đã kịp thời ban hành những chính sách thiết thực trợ sức cho doanh nghiệp như Thông tư số 01/2020/TT-NHNN đã mở cửa cho các ngân hàng thương mại được làm việc trực tiếp và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp; trong đó, cụ thể là hệ thống của Vietcombank đã đồng hành cùng Vinatex và giảm lãi suất trực tiếp đối với tất cả các khoản đang vay nợ...
Năm 2020, ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ giảm khoảng 50% về giá trị doanh thu và 25% về kim ngạch xuất khẩu. Do đó, để doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi, khởi động và phát huy toàn lực để tập trung vào sản xuất sau dịch bệnh, theo ông Lê Tiến Trường, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần triển khai nhanh, cách tiếp cận qua ít bước xét duyệt thủ công mà dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy đang có. Ông Trường bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ cho miễn bảo hiểm xã hội và công đoàn phí năm 2020 từ tháng 5 đến hết tháng 12.
Về tài chính tín dụng, ông Trường cho rằng, phương pháp đánh giá của ngân hàng với doanh nghiệp cũng cần hết sức linh hoạt. Cho giãn các khoản nợ đầu tư đến hạn trả gốc là rất cấp thiết. Các dự án dở dang, các tham số của dự án có thay đổi xấu đi do dịch bệnh nhưng cần duy trì giải ngân đúng tiến độ.
Với Hiệp định EVFTA, ông Trường đề xuất các cơ quan, bộ, ngành chuẩn bị hướng dẫn nhanh nhất để khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8 tới thì các doanh nghiệp có thể triển khai được ngay. Như vậy mới tranh thủ được thời cơ và thu về nhiều "lợi ích vàng" như truyền thông.