Sản lượng quýt hồng ngày càng giảm do nhiều diện tích quýt bị chết vàng, chết xanh, dẫn đến quýt hồng chết hàng loạt.
Nguyên nhân là do nhà vườn bón quá nhiều phân đạm, làm rễ non yếu, giảm sức chống chịu trong điều kiện độ pH rất thấp nên nhện phát triển mạnh tấn công bộ rễ sau đó bội nhiễm nấm Phytophthora, Fusarium làm chết cây.
Nguyên nhân thứ 2 là do bón đạm liều lượng quá cao lúc cây nhỏ tuổi, khi mưa nhiều lượng đạm chảy xuống tập trung quanh vùng chóp rễ, gây ngộ độc mất nước và bị chết trước khi dịch bệnh tấn công.
Số diện tích quýt hồng bị chết theo thống kê năm 2018 là hơn 330 ha. Vụ quýt hồng Tết năm nay của anh Phạm Văn Mười Một với 4 ha ở xã Tân Phước bị thiệt hại hơn 80%, anh đành chiết bỏ trái cứu cây hoặc chuẩn bị cây con khác thay thế.
Cũng theo nhận định của nhiều nhà vườn ở Lai Vung, quýt hồng bị chết cây và suy kiệt, mặt khác do bệnh đốm trái nhiều hơn so các năm qua khiến cho trái quýt chuyển màu và chín sớm nên sản lượng quýt hồng thu hoạch và bán trước Tết khá nhiều. Giá quýt hồng thị trường thời điểm này còn thấp, trung bình khoảng 12.000 đồng/kg, nên nhà vườn càng buồn.
Còn hơn 1 tháng đến Tết Nguyên đán cũng là thời gian thu hoạch quýt hồng chín vụ, các nhà vườn huyện Lai Vung đang tích cực trong khâu chăm sóc, tìm giải pháp để đối phó lại dịch bệnh vàng lá thối rễ, bảo vệ và duy trì số diện tích quýt hồng còn lại. Riêng số diện tích quýt hồng bị chết, trong khi chờ đợi có giải pháp khoa học, căn cơ ngăn chặn bệnh vàng lá thối rễ thì đa số nhà vườn chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác như: quýt đường, mận, thanh long, cam …
Ông Huỳnh Văn Tồn – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung khuyến cáo, nông dân tái canh, đồng thời nhờ sự trợ giúp của Trường Đại học Cần Thơ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp tìm giải pháp đưa ra quy trình canh tác mới để phục hồi diện tích quýt hồng đặc sản ở Lai Vung.