Vùng nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu bị thiệt hại nặng do bão số 12. |
Bão
qua đi, những lồng nuôi tôm hùm trên biển bị sóng đánh vỡ, méo mó hoặc
dồn cục. Bà con đang tìm kiếm nhận dạng lồng tôm của mình, đưa vào bờ
với hy vọng vớt vát được chút nào hay chút nấy.
Tại
làng biển thôn Vịnh Hòa thuộc địa bàn xã Xuân Thịnh hiện vẫn còn ngổn
ngang hàng nghìn lồng nuôi tôm hùm được người dân kéo lên bờ biển với
chiều dài gần 500 mét.
Những
người đàn ông vẫn tiếp tục dùng tàu, thúng chai đi ra biển tìm kiếm
những lồng tôm bị sóng biển đánh dạt đi nơi khác; có người dùng lưới thả
xung quanh khu vực nuôi với hy vọng bắt lại vài con tôm hùm đã sổng ra
ngoài. Trên bờ những thanh niên đang cố gắng sửa lại những lồng nuôi bị
sóng đánh hỏng để chuẩn bị tiếp tục thả giống, mong vớt vát lại hàng
trăm triệu đồng đã bỏ ra.
Ông Nguyễn Thái Hoàng ở thôn Vịnh Hòa cho biết: “Từ trước đến nay chưa thấy cơn bão nào mạnh và có sức tàn phá như cơn bão số 12 này. Nhà tôi nuôi hơn 20 lồng tôm hùm, đến nay chỉ tìm lại được vài lồng, nhưng hầu hết tôm bị sổng ra ngoài, số còn lại thì bị chết, chỉ còn một vài con sống”.
Ông Nguyễn Bông cũng ở Vịnh Hòa cho biết thêm, đây là bãi Trước của thôn Vịnh Hòa có khoảng 8.000 lồng, chiếm 2/3 số lồng ở Xuân Thịnh. Khi bão đổ bộ, thiệt hại hầu như toàn bộ; chìm 5 chiếc ghe.
Vùng nuôi tôm hùm ở Vịnh Hòa có mật độ nuôi tôm hùm khá dày. Trước khi bão đổ bộ vào, người dân Vịnh Hòa cũng đã nắm được thông tin về cơn bão số 12 và đã neo chằng lồng tôm khá cẩn thận. Tuy nhiên, do bão quá mạnh, sóng biển ở khu vực này cao hơn 6 mét nên bà con đành bất lực.
Bà Phạm Thị Sáu, ở thôn Vịnh Hòa xót xa nói: "Nhà tôi thả 75 lồng tôm hùm với khoảng 14.500 con nhưng bây giờ không còn gì. Tôm nuôi gần 11 tháng chuẩn bị đem bán nhưng chưa kịp thu hoạch thì bão đến. Chỉ riêng tiền mua con giống và thức ăn cho tôm đã mất hơn 1 tỷ đồng, chưa kể chi phí đóng 75 lồng nuôi mất khoảng vài trăm triệu nữa”.
Có thể nói, thiệt hại do bão số 12 gây ra ở làng biển Vịnh Hòa rất lớn, chưa biết đến bao giờ người nuôi tôm hùm mới có thể khôi phục lại. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh cho biết, đến nay, xã có gần 130 hộ nuôi tôm hùm bị thiệt hại do bão số 12 gây ra, trong đó chủ yếu là tại thôn Vịnh Hòa.
Địa phương chưa thể thống kê đầy đủ, nhưng có ít nhất 150.000 con tôm hùm bị mất trắng, trong khi đa số các hộ nuôi đều vay ngân hàng. Người dân ở đây mong muốn các cơ quan chức năng, ngân hàng xem xét khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để tái sản xuất.
Các hộ nuôi thiệt hại nặng do bão.
|
Theo ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, đến ngày 7/11, trên địa bàn thị xã có 102 bè cùng hàng nghìn lồng nuôi tôm hùm ở đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài bị hư hỏng do sóng biển, tôm nuôi sổng ra ngoài và bị chết. Theo thống kê chưa đầy đủ, người nuôi tôm hùm trên địa bàn huyện mất hơn 444.600 con, ước giá trị thiệt hại khoảng 94 tỷ đồng. Đó là chưa kể nước lũ đã làm ngập gần 100 ha ao đìa nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cua xanh…
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, những thiệt hại về tôm hùm nuôi ở thị xã chỉ là thống kê ban đầu, số thiệt hại có thể còn tăng lên vì tại các vùng nuôi hiện nay đã bị ngọt hóa và bà con cũng đang tìm kiếm lồng nuôi bị trôi dạt nơi khác. UBND thị xã Sông Cầu đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng và địa phương liên tục nắm tình hình và cử lực lượng xuống tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả.
Thị xã Sông Cầu được xem là “thủ phủ” tôm hùm của cả nước. Trước cơn bão số 12, những lồng bè tôm hùm là niềm hy vọng đổi đời của hàng trăm người nuôi. Thế nhưng, trong phút chốc đã tan biến tất cả theo bão. Hiện tỉnh Phú Yên đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ và cho người dân vay mới để tái đầu tư trở lại.