Cấu tạo nền đáy là một trong những yếu tố môi trường quan trọng, quyết định sự phân bố của tôm hùm trong tự nhiên. Ở Việt Nam, vùng biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận với nhiều đầm, vịnh, vũng kín... đã trở thành ngôi nhà cho tôm hùm ngoài tự nhiên trú ngụ.
Dựa trên nền tảng đó, nghề nuôi tôm thương phẩm bằng lồng ngay trên vùng biển chúng sinh trưởng tự nhiên đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Nam Trung bộ trở thành “vương quốc” những loài tôm hùm nuôi; trong đó hai địa phương Phú Yên và Khánh Hòa giữ vai trò “kinh đô”.
Tôm hùm nuôi tại vùng biển Sông cầu, tỉnh Phú Yên đạt chất lượng xuất khẩu. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN |
“Yến sào hòn Nội. Vịt lội Ninh Hòa. Tôm hùm Bình Ba. Nai khô Diên Khánh…” là những đặc sản gắn liền với những địa danh mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Khánh Hòa từ thuở xa xưa, được dân gian lưu lại bằng lời thơ mộc mạc.
Đối với tôm hùm, nếu khi xưa là món hải sản cao cấp, chỉ được đánh bắt ngoài tự nhiên và có rất nhiều ở đảo Bình Ba, nằm trong vùng vịnh Cam Ranh của Khánh Hòa, thì mấy chục năm qua, việc khai sáng nghề nuôi tôm hùm thương phẩm bằng lồng, bè trên biển đã đưa sản phẩm này trở thành đặc sản cho cả vùng Nam Trung bộ.
Theo Tổng cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm lồng thực sự phát triển từ những năm 2000 đến nay và giai đoạn gần đây đã “bùng nổ” về số lượng lồng nuôi, đạt sản lượng cao. Chỉ tính riêng năm 2017, sản lượng tôm hùm nuôi của cả nước đạt trên 1.530 tấn, đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng cho những ông chủ lồng nuôi nhóm giáp xác sáng giá này.
Khánh Hòa với chiều dài bờ biển trên 5 km, lại có hàng trăm đảo lớn nhỏ gần bờ, đặc biệt là hệ thống các đầm, vịnh như Thủy Triều, Nha Phu, Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh… thay nhau trải dọc suốt chiều dài bờ biển, rất lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại thủy sinh; trong đó có tôm hùm.
Ngoài ra, nhờ thời tiết tương đối ôn hòa, nắng ấm quanh năm nên trong mấy chục năm Khánh Hòa luôn được mưa thuận, gió hòa (ngoài cơn bão số 12 “lịch sử” xảy ra hồi cuối năm 2017 gây nhiều tổn thất). Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi quan trọng cho sự phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là phương thức nuôi lồng bè ven biển - phù hợp với cách duy nhất của nghề nuôi tôm hùm hiện nay. Chính vì vậy, tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa sau hàng chục năm phát triển và ngày càng khẳng định vị thế.
Ở ba vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh, những địa danh như: Đầm Môn, Xuân Tự, đảo Bình Ba, Cam Thuận, Cam Phúc… giờ gắn liền với đặc sản đã trở thành thương hiệu của tôm hùm bông, tôm hùm xanh, tôm hùm đỏ. Đến vụ nuôi năm 2017, tỉnh Khánh Hòa đã đạt số lượng lồng nuôi tôm hùm lớn nhất từ trước đến nay, với trên 40.600 lồng, tổng sản lượng thu hoạch xấp xỉ 1.000 tấn. Nếu không bị ảnh hưởng cơn bão số 12 cuối năm ngoái hoành hành và gây thiệt hại nặng cho người nuôi, thì sản lượng chắc chắn còn cao hơn.
Ông Nguyễn Chí Lực ở thôn Bình lập, xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, là người am tường nhiều thông tin của vùng nuôi này chia sẻ, toàn thành phố có gần 30.000 lồng, phân bổ dọc theo các địa phương ven biển, chủ yếu nuôi hai loại tôm hùm bông và tôm hùm xanh; trong đó, loại thứ hai chiếm từ 70 - 75%.
Đối với xã Cam Lập, nghề này phát triển mạnh và thuận lợi hơn khi khai thác nguồn tôm hùm giống ngoài tự nhiên tại vùng biển địa phương được xem là một lợi thế với khoảng 20 nghìn con giống mỗi năm. Tuy nhiên, số đó vẫn không đủ cung cấp giống cho người nuôi trong xã vì Cam Lập hiện đã có hơn 250 hộ nuôi tôm hùm với khoảng 1.500 lồng, sản lượng tôm hùm thương phẩm hàng năm ở đây đạt chừng 95 tấn - ông Lực cho hay.
Với tỉnh Phú Yên kề cận, địa phương này cũng có điều kiện thuận lợi về môi trường tự nhiên, gắn với nhiều vùng biển kín gió như: vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu), Vũng Rô (huyện Đông Hòa) để phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm nuôi được tích lũy qua hàng chục năm, khi người dân Phú Yên đã tiếp cận nghề này khá sớm so với các địa phương khu vực Nam Trung bộ.
Sơ khai buổi ban đầu ở thị xã Sông Cầu vào những năm 1990, tôm hùm chỉ được nuôi tại đầm Cù Mông với số lượng khoảng 200 lồng nuôi như một cách thử nghiệm cho một mô hình kinh tế mới mẻ. Trải qua bao thăng trầm, đến nay, vùng nuôi được mở rộng ra vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu), hai huyện Tuy An và Đông Hòa với số lượng lồng nuôi toàn tỉnh khoảng từ 30.000 – 40.000 lồng mỗi vụ.
Ngoài giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 6.000 lao động tại địa phương và nhiều công việc cho lao động dịch vụ hậu cần, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên còn đạt sản lượng bình quân khoảng 0 tấn mỗi vụ trong những năm gần đây, tương đương giá trị trên dưới 1.000 tỷ đồng; qua đó sản sinh ra hàng trăm tỷ phú trong nghề, giúp bộ mặt nhiều làng biển trở nên trù phú, khang trang.
Nhiều vùng ven biển của Phú Yên, nhất là các xã Xuân Hải, Xuân Cảnh, Xuân Phương (thị xã Sông Cầu), hoặc An Hải, An Hòa, An Chấn (huyện Tuy An), xã Hòa Xuân Đông (huyện Tuy Hòa) còn có tôm hùm giống phân bố tự nhiên. Hàng năm, có từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu con tôm hùm giống được ngư dân đánh bắt, khai thác để phục vụ cho nhu cầu nuôi thương phẩm. Trong nhiều thời điểm “cung vượt cầu”, tôm giống ở Phú Yên phải lên đường để bán cho người nuôi ở tỉnh Khánh Hòa.
Nuôi tôm hùm lồng bè cho giá trị kinh tế cao ở Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN |
Theo Chi cục Thủy sản Phú Yên, mặc dù là một trong những tỉnh có nguồn lợi tôm hùm giống tự nhiên xuất hiện dồi dào, nhưng vài năm gần đây, do nhu cầu giống cho nuôi thương phẩm tăng cao vì số lượng lồng nuôi của địa phương ngày một gia tăng, trong khi sản lượng khai thác tôm giống trong tự nhiên có xu hướng giảm, nên giống khai thác tự nhiên chỉ đáp ứng từ 10 - 30% nhu cầu. Phần còn lại, tôm giống phải nhập từ các nước Philippines, Malaysia và Indonesia, thông qua kênh giám sát và quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
So với hai tỉnh ở tốp đầu thì các tỉnh kề cận như Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, nghề nuôi tôm hùm chỉ đang ở mức thăm dò, thí điểm, nhưng gần đây cũng đã kiến tạo được một xu hướng phát triển tốt trong tương lai.
Ở Quảng Ngãi, vào thời điểm năm 2016, hàng chục hộ dân đã mạnh dạn đầu tư 2.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu tại huyện đảo Lý Sơn, nơi có điều kiện tự nhiên tương đối phù hợp. Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, ban đầu người dân nuôi tự phát, phát triển rất mạnh với 80 lồng nuôi.
Năm đầu tiên có kết quả, trên cơ sở đó huyện cũng đã nghiên cứu, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện với diện tích mặt nước 50 ha. Tuy nhiên, nếu nuôi tôm hùm đạt kết quả tốt, lợi nhuận mang lại rất cao. Ngược lại, có nhiều yếu tố khác gây ảnh hưởng đến nghề này như mưa bão, thời tiết khắc nghiệt, thiếu điểm tránh trú, dân chưa có nhiều kinh nghiệm… nên chính quyền huyện đảo Lý Sơn sau đó phải khuyến cáo người nuôi không nên mở rộng vùng nuôi một cách ồ ạt, mất kiểm soát.
Dân Bình Định, Ninh Thuận cũng bước vào nghề nuôi tôm hùm trong những năm gần đây, mỗi địa phương vào thời cao điểm cũng đạt trên dưới 1.000 lồng/vụ, đạt sản lượng từ 29 – 45 tấn tôm thương phẩm mỗi nơi, chừng đó chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương.
Nhưng theo Thạc sĩ Đỗ Kim Tâm – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận, địa phương này có thế mạnh “săn” tôm hùm giống, mỗi vụ bắt tôm hùm con kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, mỗi năm nghề này đã cung cấp cho thị trường các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên khoảng 600 nghìn con giống, giúp người dân địa phương có nguồn thu nhập khá.
Việt Nam chưa thể sản xuất được giống tôm hùm, nguồn giống phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt tự nhiên với ước tính hàng năm khai thác được từ 7 – 9 triệu con tôm giống. Mấy năm nay do mở rộng quy mô nuôi, nên nguồn giống tự nhiên chỉ có thể đáp ứng khoảng 70%, phần còn lại phải nhập vào từ các nước: Srilanka, Philippines, Indonesia…. Nhưng việc người dân các tỉnh Nam Trung bộ tìm tòi, mày mò cách “xây nhà” để đưa tôm giống vào nuôi để trở thành thương phẩm có giá trị kinh tế khá cao đã là một kỳ tích đáng tự hào.
Bài 2: Rủi ro… “thập diện mai phục”