Sáng 13/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam " nhằm công bố báo cáo nghiên cứu do VCCI, WB và Đại sứ quán Ai len phối hợp thực hiện. Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng báo cáo đã đưa ra được những chỉ số quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách, cơ quan nghiên cứu và tham mưu về cải cách kinh tế, cải cách hành chính ở Việt Nam trong thời gian tới. Phần lớn người Việt Nam tham gia vào cuộc khảo sát đều đánh giá cao mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam, ủng hộ tiến trình cải cách mà Việt Nam đang thực hiện. Báo cáo cũng phát hiện nhiều lưu ý trong nền kinh tế và kỳ vọng của người Việt Nam trong việc kiểm soát giá cả cao hơn trong các nền kinh tế khác.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Ông Deepak Mishra, Kinh tế trưởng WB cho biết: báo cáo đã chỉ ra nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng vào công cuộc cải cách. Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhấn mạnh tính minh bạch của nền kinh tế.
Một trong những nội dung đã được báo cáo chỉ rõ là người Việt Nam nói chung đều ủng hộ nền kinh tế thị trường và các yếu tố kinh tế thị trường. Tuy vậy, khi đánh giá về thực trạng hiện nay và tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường giai đoạn 2006-2011, thì có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm. Khác biệt rõ nét nhất là đánh giá của những người nước ngoài, người làm việc cho các tổ chức quốc tế và người Việt Nam.
Đa số những người từ khu vực bên ngoài đánh giá không cao về tính thị trường của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, cũng như tốc độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường trong 5 năm qua. Trong khi đó, đa số người Việt Nam vẫn chưa có đánh giá hay quan điểm rõ ràng về thực trạng hiện nay của nền kinh tế; đặc biệt, tỷ lệ người có trình độ thường ủng hộ cao hơn đối với nền kinh tế thị trường hơn là người có trình độ học vấn thấp hơn.
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia cao cấp lưu ý, báo cáo không nên quá suy diễn chủ quan, dễ trở thành võ đoán khi cho rằng nghịch lý khi người dân vừa mong đẩy nhanh cải cách và chuyển sang kinh tế thị trường vừa muốn nhà nước can thiệp tốt hơn vào ổn định giá cả thị trường. Trên thực tế, chúng ta cần thấy rằng nghịch lý này cơ bản là do việc thực hiện chưa đúng, ngược quy trình và yêu cầu quy luật kinh tế thị trường.
Cụ thể là do việc cho phép các doanh nghiệp độc quyền định giá thị trường, dễ dẫn đến các động thái giá cả và phản ứng thị trường bị méo mó, hay đòi hỏi Nhà nước can thiệp hành chính khi biến động. Mặt khác, còn do Việt Nam chưa phát triển tốt các hệ thống đảm bảo an sinh xã hội cũng như kiểm soát độc quyền và đầu cơ thị trường.
TTXVN/ Tin Tức