Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng đường sắt. Nhưng nhà đầu tư cũng còn lắm băn khoăn.Theo ông Nguyễn Sơn, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - đơn vị khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam (sản lượng container chiếm 50% cả nước) chiến lược của doanh nghiệp là tập trung phát triển dịch vụ logistic đường sắt (chuỗi cung cấp dịch vụ vận chuyển chất lượng từ cảng đến nơi tiêu thụ).
Xã hội hóa đầu tư hạ tầng đường sắt sẽ giúp ngành đường sắt phát triển mạnh mẽ. |
Trước đây, doanh nghiệp đã quan tâm đến vận tải đường sắt, nhưng vấp phải nhiều rào cản về pháp lý, chính sách, khung phí… nên hoạt động cầm chừng. Nếu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết liệt xã hội hóa đầu tư hạ tầng đường sắt, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn đầu tư hạ tầng đường sắt.
Phó Chủ tịch Tập đoàn SunGroup Trần Minh Sơn chia sẻ: Tập đoàn đang rất muốn đầu tư vào những đoàn tàu chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Đà Nẵng, Hà Nội - Lào Cai... để vừa nâng cao chất lượng dịch vụ ngành đường sắt, vừa thu hút khách du lịch trong ngoài nước đi lại bằng đường sắt, với các chiến lược phát triển của tập đoàn theo tiêu chuẩn châu Âu. Đại diện Công ty cổ phần thương mại và Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng khẳng định: Mặc dù không có kinh nghiệm kinh doanh đường sắt, nhưng nếu Bộ GTVT “trải thảm đỏ”, sẽ an tâm bỏ vốn đầu tư và phát triển đúng hướng.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra băn khoăn và muốn được Bộ GTVT tháo gỡ về cơ chế, thủ tục, hành lang pháp lý. Ông Trần Minh Sơn đề xuất Bộ GTVT xây dựng các cơ chế ưu tiên doanh nghiệp về thời gian chạy tàu, ưu tiên thời gian đỗ tránh các ga ít nhất và giá cả có thể đấu giá chung theo quy định. Nếu có thời gian và lộ trình tốt thì các đoàn tàu có thể quay vòng sẽ nhanh hơn. Một số doanh nghiệp khai thác kho bãi đường sắt thì kiến nghị Bộ GTVT làm rõ hơn về tính chất pháp lý sử dụng đất kho bãi thế nào, bỏ cơ chế độc quyền khai thác đầu kéo, nâng tải trọng vận tải đường sắt so với đường bộ… vì thời gian qua, các hoạt động này chủ yếu phải thuê của Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR). Nếu được tháo gỡ, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn để phát triển từng hạng mục hạ tầng của ngành đường sắt theo hướng thu lợi nhuận cao nhất.
“Hết quý II, Bộ GTVT sẽ thực hiện xã hội hóa các dự án: Ga Yên Viên, ga Đồng Đăng, ga Sóng Thần phục vụ logistic. Ngoài ra, VNR sẽ nghiên cứu đưa ra các phương án khai thác đường sắt hiện có, tập trung kết nối với cảng biển và đường sắt". Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Giải đáp các băn khoăn của các doanh nghiệp muốn xã hội hóa hạ tầng đường sắt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: Bộ GTVT đang tham mưu để sửa đổi, thay thế Luật Đường sắt. Tuy nhiên, ngay cả Luật Đường sắt cũ và mới cũng đã rất mở, cho phép nhượng quyền khai thác hạ tầng từ năm 2005. Cơ chế tạo điều kiện cũng rất rõ ràng và chủ trương đầu tư theo hình thức nào. Hiện nay, Cục Đường sắt Việt Nam và Ban đối tác công tư của Bộ cũng đã rà soát, công bố công khai danh mục 17 dự án đường sắt kêu gọi đầu tư.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Bộ đang chỉ đạo rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới Luật Đường sắt để đề xuất sửa đổi phù hợp. Nếu cần thiết, Bộ sẽ đề xuất thí điểm sửa đổi, trên tinh thần theo Hiến pháp 2013. Phải tạo ra cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải đường sắt cũng như giữa đường sắt với các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không… Phải hiện đại hóa đường sắt hiện có, nâng tốc độ tàu, chuẩn bị các điều kiện xây dựng tuyến đường sắt đôi, khổ 1435 mm, ưu tiên các tuyến trọng điểm.
Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNR cũng cho biết, đơn vị đã rà soát toàn bộ công lệnh tốc độ trên các tuyến sao cho hợp lý nhất để đạt mục tiêu rút ngắn hành trình chạy tàu. Dự kiến tuyến Hà Nội - Lào Cai sẽ rút từ 7,5 giờ xuống còn khoảng 5 giờ; tuyến Sài Gòn - Nha Trang đang chạy khoảng 4,5 giờ xuống dưới 4 giờ; tuyến Đồng Đăng đang có hành trình 7 giờ xuống 5 giờ… Khi tốc độ tàu và thời gian hành trình hợp lý, sẽ tạo được nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và hành khách.
Tiến Hiếu