Bà Đặng Thị Thu Hoàn, Trưởng Phòng thú y thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Nguyên nhân chính để dịch đốm trắng lây lan diện rộng ở các vùng nuôi tôm tại Hà Tĩnh là do người dân thiếu ý thức xả nước thải trong hồ có tôm bị bệnh ra môi trường xung quanh.
Các vùng nuôi tôm như Cồn Nậy, vùng Đuồi xã Kỳ Thọ và vùng eo Bù, Đồng Khẩu, vùng nuôi hợp tác xã Thắng Lợi tại xã Kỳ Ninh đều ở huyện Kỳ Anh, các hộ chăn nuôi với hình thức nuôi tôm quảng canh. Việc cải tạo hồ nuôi cũng như quy trình kỹ thuật nuôi tôm, các hộ nuôi không nắm vững. Những vùng nuôi tôm ở đây người dân lợi dụng vào thủy triều lên xuống của nước sông để lấy chung một nguồn nước từ một cống ngầm thuỷ lợi, hoặc cống xả lũ qua thân đê. Như vậy khi xả thải nước ra cũng như lấy vào các hồ nuôi tôm đều nằm trong một vùng nên không đúng như quy trình, kỹ thuật nuôi tôm. Với việc làm đó, khi một hộ nuôi tôm bị bệnh đốm trắng do vô tình hoặc thiếu ý thức ngưới dân đã xả thải ra vùng nuôi tôm này, để rồi các hộ nuôi tôm khác phải hứng chịu dịch bệnh lây lan. Không chỉ các vùng nuôi tôm của huyện Kỳ Anh mà tại các vùng nuôi tôm xóm 7, xóm 8 xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân), vùng nuôi tôm Cồn Vạn xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên), người dân nuôi tôm đều chỉ có một con mương lấy nước vào rồi xả nước ra đó mà không có ao lắng, hay ao xử nước trước khi xả thải ra mương nước.
Bệnh đốm trắng ở tôm bắt đầu bùng phát tại hồ nuôi tôm của ông Trần Xuân Lợi thuộc xã Xuân Trường (huyện Nghi Xuân) làm 0,2 ha với 15 vạn con giống bị bệnh, sau đó dịch bệnh đã lây lan sang hồ nuôi tôm khác. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã có 47 hộ thuộc 15 vùng nuôi tôm của 9 xã thuộc các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên với tổng diện tích gần 40 ha bị bệnh đốm trắng, số giống thiệt hại trên 13 triệu con.
Phòng thú y thủy sản cử cán bộ phối hợp với các huyện kiểm tra và lấy mẫu xác định dịch bệnh. Bên cạnh đó, thực hiện cam kết với hộ nuôi tôm, các chủ cơ sở nuôi tôm khoanh vùng, bao vây như đóng cống, không tháo nước ra ngoài môi trường, đồng thời tiến hành tiêu huỷ toàn bộ diện tích tôm bị bệnh. Phòng thú y cấp gần 8000 kg chlorine phục vụ xử lý dịch bệnh, xử phạt hai cơ sở ương nuôi tôm: Trại nuôi tôm giống Kỳ Nam (Công ty xuất nhập khẩu nam Hà Tĩnh) và cơ sở nuôi trồng thủy sản Tuấn Linh đóng tại Kỳ Trinh do lấy nguồn giống về không có giấy tờ kiểm dịch, không có xuất xứ.
Phòng thú y thủy sản khuyến cáo người dân ở các hồ nuôi tôm chưa có dịch cần bổ sung thức ăn, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Thực hiện vệ sinh khu vực nuôi, không sử dụng chung các dụng cụ nuôi tôm để tránh mầm bệnh lây lan.
Công Tường