Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sỹ Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã sớm được Đảng và Nhà nước đặt ra với nội dung ngày càng hoàn thiện và đã trở thành một chủ trương nhất quán trong lãnh đạo, quản lý, điều hành tiến trình phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ qua.
Hội thảo là dịp để tiếp tục trao đổi, đánh giá những nội dung chủ yếu nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước, từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của Đảng trong việc chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xác định rõ nội dung, yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện hiệu quả việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước...
Hội thảo đã nhận được gần 50 bài tham luận của đại diện các ban, bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhiều ý kiến phát biểu tham luận, trao đổi trực tiếp tại Hội thảo.
Các ý kiến tập trung phân tích, làm rõ những thành tựu kinh tế Việt Nam từ khi có Đảng; quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế nhanh, bền vững; giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường; phát triển nhanh, bền vững đất nước từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp; vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện định hướng lớn của Đảng, phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Từ góc độ của các địa phương, một số tham luận đã đề xuất giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp; phát huy vai trò, vị thế của địa phương trong khu vực động lực của vùng; cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, tập trung đề xuất các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Nội dung thảo luận đã tập trung phân tích, đánh giá và làm sáng tỏ hơn về những tiềm năng, nguồn lực của đất nước; chỉ ra những cơ hội để Việt Nam tận dụng được thời cơ, vượt qua những khó khăn, thách thức. Đặc biệt, Hội thảo đã đề cập về vai trò và việc sử dụng hợp lý các nguồn lực đối với phát triển đất nước, gồm nguồn lực bên trong: vị trí địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội trong nước; nguồn lực bên ngoài: vốn, thị trường, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh từ các nước khác.
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo cũng đã tập trung phân tích, đánh giá mức độ phát triển kinh tế nhanh, bền vững bám theo các trụ cột: Trụ cột bền vững về kinh tế (tốc độ tăng trưởng kinh tế; các cân đối vĩ mô; chất lượng tăng trưởng, khả năng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế), Trụ cột bền vững về xã hội (đảm bảo công bằng xã hội, bảo đảm việc làm, khả năng tiếp cận các dịch vụ công), Trụ cột bền vững về môi trường (sử dụng tiết kiệm tài nguyên; giảm phát thải, khí thải; khả năng ứng phó và chống chịu với biến đổi khí hậu; sử dụng năng lượng xanh; sản xuất và tiêu dùng xanh). Các tham luận cũng nêu lên những kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về kinh tế trong thời gian qua...