Tạo sự khép kín liên vùng
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông, kênh, rạch, mương vườn chằng chịt để thu nước về nội đồng phục vụ sản xuất. Các chuyên gia ngành thủy lợi đánh giá, nếu chỉ một địa phương ứng phó hoặc đầu tư công trình ngăn mặn, cũng không mang lại hiệu quả, mà các phải có kế hoạch đồng bộ, liên hoàn trong điều tiết nước mặn - ngọt.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, sau chuyến khảo sát các công trình thuỷ lợi ngăn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây hiện còn 30.000 hộ dân tập trung và 10.000 hộ dân phân tán đang chịu tác động lớn từ xâm nhập mặn do thiếu nước.
Các địa phương đã tiến hành đắp đập tạm, xây cống ngăn mặn để trữ ngọt, lấy nước khi triều xuống, giúp người dân có thêm nguồn nước phục vụ sản xuất. Các công trình ngăn mặn lớn hiện nay đã phát huy hiệu quả như Cái Lớn, Cái Bé, cống điều hòa mặn ngọt ở các tỉnh trong khu vực đều phát huy hiệu quả cao. Như tại Bến Tre, các công trình hạn, mặn đã hỗ trợ sản xuất cho hơn 30.000 ha, đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định nguồn nước cho người dân.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tại khu vực phía Bắc, tỉnh sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình cống An Hóa (huyện Châu Thành), cống Bến Tre (thành phố Bến Tre), cống Thủ Cửu (huyện Giồng Trôm) thuộc dự án Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3) phục vụ kiểm soát mặn trong khu vực. Đồng thời tỉnh đảm bảo ngọt hóa sông Ba Lai kết hợp với Trạm bơm Tân Phú (Dự án JICA3) để tạo nguồn cấp phục vụ sản xuất, phục vụ các nhà máy nước thuộc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước tỉnh, các nhà máy nước nông thôn trong khu vực và nguồn nước phục vụ sản xuất cho người dân. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng khép kín tuyến đê ven sông Hàm Luông, sông Tiền thuộc các huyện Châu Thành và Giồng Trôm.
Còn ở phía Nam, tỉnh sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng cống Cái Quao (huyện Mỏ Cày Nam) thuộc dự án Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3); tiếp tục hỗ trợ đầu tư cống Vàm Nước Trong, cống Vàm Thơm, 22 cống ngăn mặn thuộc các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cũng đề xuất hướng đưa nước ngọt từ vùng Đông Nam Bộ về Tây Nam Bộ để giúp điều tiết nước ngọt cho khu vực này.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, tỉnh đã nạo vét 21 tuyến kênh chính của vùng dự án ngọt hóa Gò Công và 83 tuyến kênh nội đồng để tăng khả năng trữ nước bằng vốn ngân sách. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ 2,9 tỷ đồng đầu tư trạm bơm cống Lồ Ồ cấp nước ngọt cho cho dự án Phú Thạnh - Phú Đông. Đối với vùng dự án Bảo Định mở rộng sang vùng kiểm soát lũ, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 đã đầu tư 5 cống phía sông Vàm Cỏ Tây, tỉnh Long An; ngân sách của tỉnh đầu tư 6 cống phía sông Tiền, tỉnh Tiền Giang. Trung ương cũng đã đầu tư ngân sách để xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành, thuộc dự án công trình kiểm soát nguồn nước trên kênh Nguyễn Tấn Thành, dự kiến hoàn thành tháng 8/2024. Các công trình này cùng với bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây sẽ giúp người dân khu vực huyện Cai Lậy và Châu Thành điều tiết nước sản xuất cho vườn cây ăn trái giá trị cao.
Phát huy hiệu quả giải pháp phi công trình
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng cửa sông Cửu Long trải dài từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, nơi ranh giới xâm nhập mặn là sự tranh chấp giữa lực sông và lực biển - khi nào sông yếu thì biển lấn sâu. Hơn nữa, trên các sông chính của khu vực, khi các cống ngăn mặn đóng lại, thì thủy triều lên sẽ mang theo nước mặn không có không gian lan tỏa, chảy theo dòng chính đi sâu vào nội địa.
Thêm vào đó, vùng bán đảo Cà Mau từ Bạc Liêu xuống Cà Mau và qua một phần Hậu Giang, Kiên Giang là vùng ít nhận được nước sông Cửu Long, nguồn nước ngọt chủ yếu là nước mưa. Sự thiếu hụt nước ngọt và gia tăng mặn ở vùng này trong mùa khô phụ thuộc vào lượng mưa. Trong khi đó, xâm nhập mặn là dao động nước ra vào ở các cửa sông tiếp giáp biển 2 lần/ngày, mà dân gian gọi là nước lớn, nước ròng. Chính vì vậy, vùng này chịu tác động lớn nhất từ El Nino và hạn hán còn kéo dài đến tháng 4, tháng 5/2024.
Do đó, với những khu vực còn chịu sự tác động nặng nề từ hạn hán, xâm nhập mặn, người dân đều được hướng dẫn các giải pháp tạm thời nhưng phát huy hiệu quả trong thời gian hạn - mặn.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, ngoài các giải pháp công trình để giải quyết sự xung đột nguồn nước khi mặn xâm sâu vào nội đồng, thì việc ưu tiên điều kiện thực tế của địa phương, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi để thích ứng với thời gian hạn hán kéo dài, tập quán sinh hoạt và nhu cầu sử dụng nước của người dân là giải pháp linh hoạt nhất. Một yếu tố không thể thiếu nữa là công bố và cập nhật thường xuyên bản đồ hạn hán, xâm nhập mặn qua các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội phổ biến, phương tiện thông tin đại chúng để người dân từng tiểu vùng sinh thái kịp thời theo dõi, chủ động ứng phó, dịch chuyển lịch thời vụ, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch cây trồng, vật nuôi và sinh hoạt nhằm giảm thấp nhất mức độ thiệt hại.
Còn Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho rằng, về lâu dài, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên khôi phục các vùng trữ nước thiên nhiên, thay vì phải đào ao, đắp đập, nạo vét kênh mương để trữ nước như hiện nay. Việc làm các công trình hồ chứa nước đào quá sâu, có hồ hơn chục mét để trữ nước sẽ đụng tới tầng phèn thì nước ngọt sẽ bị chua nên cần hết sức thận trọng. Mặt khác, khi đào sâu, hồ chứa sẽ rút nước từ các ao, đìa xung quanh. Do đó, giải pháp hiện nay là thích ứng chứ không phải chống lại thiên nhiên và mở rộng thêm các ao hồ kênh mương trữ nước bằng hình thức nạo vét. Với những nơi làm lúa ba vụ có thể giảm còn hai vụ, vụ còn lại xả nước vào trữ, giúp cải tạo đất. Có như vậy mới bảo toàn được hệ sinh thái của cả khu vực, sống hòa nhập với thiên nhiên.