Xây dựng đô thị thông minh - thay đổi về chất cho quá trình đô thị hóa mới

Đô thị thông minh là một trong những lĩnh vực phát triển trong quá trình Việt Nam tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đây là cuộc cách mạng được hình thành dựa trên nền tảng cách mạng số, tích hợp nhiều công nghệ, đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.

Chú thích ảnh
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung nguồn vốn, giao dịch, hàng hóa, tài chính... sẽ được vận dụng tối ưu nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh đến năm 2025. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Cuộc cách mạng về thể chế

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Phần lớn các chuyên gia hàng đầu thế giới đánh giá cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư về bản chất là một cuộc cách mạng về thể chế. Việc phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong những năm gần đây đã tạo ra lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh, thậm chí có thể dùng từ bùng nổ. Điều đó làm cho khuôn khổ thể chế bấy lâu nay không còn phù hợp nữa, thậm chí nếu tiếp tục duy trì khuôn khổ này, sẽ kìm hãm sự phát triển. Do vậy, phải có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế. Đó chính là bản chất cách mạng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Với ý nghĩa đó, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết ra đời đã góp phần hoàn thiện thể chế; trong đó, hoàn thiện pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng. Từ nghị quyết này, nhiều lĩnh vực phát triển mới đã được khai phá, trong đó có lĩnh vực phát triển đô thị thông minh.

Cũng theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Nghị quyết 52 ra đời được đánh giá là hết sức đúng lúc, thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn bản lĩnh và khát vọng quyết tâm của toàn đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc chủ động tích cực tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, đây là một cơ hội “vàng” để hiện thực hóa chủ trương của Đảng với phương châm phát triển là “đi tắt đón đầu”. Đảng ta cũng xác định Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng và hoàn thiện thể chế, từ đó có cách tiếp cận mở sáng tạ, mạnh dạn cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi điều kiện cho đổi mới sáng tạo.

Phát triển đô thị thông minh - hướng đi tất yếu

Về thực trạng vấn đề đô thị ở Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Hà, quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị của Việt Nam đã đạt được những thành quả hết sức quan trọng và tích cực. Việt Nam đã có một hệ thống đô thị quốc gia được phân bổ tương đối hợp lý. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ, chất lượng sống của cư dân đô thị cũng được cải thiện rõ rệt. Các đô thị đã thể hiện được vai trò động lực then chốt trong tăng trưởng và phát triển kinh tế các địa phương.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Ví dụ, phát triển chưa bền vững, chưa thực sự gắn kết với quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, nhất là hiện đại hóa - công nghiệp hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phát triển thiếu tính kết nối, thiếu bản sắc, tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng, ùn tắc giao thông trong đô thị cũng diễn ra thường xuyên và phức tạp. Đây là những thách thức rất lớn mà Việt Nam phải vượt qua, phải xử lý có hiệu quả trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia, cũng như quy hoạch tổng thể đô thị quốc gia trong thời gian tới.

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong phát triển đô thị ở Việt Nam, phát triển đô thị thông minh là một hướng đi tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, tận dụng được những cơ hội, thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Trong khi đó, nhìn chung các thành phố lớn ở nước ta đều ưu tiên cách tiếp cận từ trên xuống trong xây dựng đô thị thông minh, trọng tâm thường được hướng tới là xây dựng chính quyền điện tử, sau đó hướng tới giải quyết các vấn đề cấp thiết đặt ra tại các đô thị như: Giao thông đô thị, thoát nước đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế, giáo dục.

Cách hiểu về đô thị thông minh là sử dụng nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông để giải quyết các vấn đề của đô thị (Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội). Chỉ có số ít các tỉnh như Bình Dương, Bắc Ninh có cách tiếp cận toàn diện, với mục tiêu hướng tới không chỉ đơn thuần là giải quyết các vấn đề cấp thiết của đô thị, mà xa hơn là hướng tới một quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian qua, đặc biệt là những bứt phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư.

Cần được quy hoạch và xây dựng thông minh

Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam cần theo 3 trụ cột chính gồm: Quy hoạch và xây dựng đô thị thông minh; quản lý đô thị thông minh và thực hiện các dịch vụ; tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn và xây dựng một xã hội đô thị phát triển hài hòa, bảo tồn, giữ gìn, phát huy được truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong quá trình xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Xây dựng đã tham khảo rất nhiều kinh nghiệm quốc tế, của những nước có thành tựu rất lớn trong việc phát triển đô thị thông minh. “Trên cơ sở đó, chúng ta tìm tòi, chọn lọc, tiếp thu được những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế phát triển của đất nước”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Thực tế cho thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới mới xây dựng đô thị thông minh trên nền tảng đô thị hiện hữu, chứ chưa đề cập tới lĩnh vực quy hoạch và xây dựng đô thị một cách thông minh. Rút kinh nghiệm từ những quốc gia đi trước, đô thị thông minh ở Việt Nam cần được quy hoạch và xây dựng thông minh. Từ đó, tạo nền tảng để tiến hành các giải pháp thông minh cho việc tổ chức quản lý và phát triển đô thị.

Mặt khác, trong quá trình phát triển đô thị thông minh, phải chú ý tới phát triển cộng đồng đô thị hài hòa, có bản sắc, phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây là vấn đề Việt Nam đã đặt ra và nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Trong quá trình phát triển đô thị thông minh, cần tránh việc lạm dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật trong tổ chức đời sống dân cư đô thị. Từ đó, duy trì khả năng kết nối giữa các cộng đồng dân cư.

Trong xây dựng đô thị thông minh, nền tảng cơ sở dữ liệu giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), xây dựng cơ sở dữ liệu là "linh hồn" cho tất cả những ứng dụng và phục vụ cho việc điều hành đô thị thông minh. “Có thể nói rằng, xu hướng hiện tại bắt buộc chúng ta phải điều hành trên nền tảng cơ sở dữ liệu ở nhiều góc nhìn khác nhau. Nếu nhìn về khía cạnh chính quyền đô thị thông minh thì nội hàm chính là chính quyền sử dụng những dữ liệu đa chiều, những thông tin online để có thể có những phân tích, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền… Từ nội hàm ấy mang lại sự phát triển chung cho đô thị”, ông Huỳnh Quang Liêm cho biết.

Đô thị thông minh đang trở thành xu thế của toàn cầu. Sự phát triển của các đô thị thông minh tạo ra sự thay đổi về chất cho quá trình đô thị hóa mới. Trong đó, thông qua áp dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại, tri thức để thay đổi cách thức quản lý đô thị, đem đến hiệu quả và môi trường sống ổn định, lành mạnh hơn cho người dân. Đô thị thông minh cũng có thể là câu trả lời cho nhiều thách thức đặt ra với các đô thị hiện đại tại cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Với mục tiêu bàn thảo về quá trình xây dựng đô thị thông minh hướng tới cộng đồng bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, trong hai ngày 22 - 23/10, Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020 sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội. Diễn đàn được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng và một số bộ, ngành Trung ương tổ chức nhằm tìm hiểu những xu thế lớn trong phát triển các đô thị thông minh trên thế giới; tầm nhìn chung của các quốc gia hướng đến phát triển đô thị thông minh; chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong xây dựng và phát triển các đô thị thông minh; tháo gỡ các rào cản, vướng mắc do địa phương và doanh nghiệp trong triển khai xây dựng đô thị thông minh gắn với chính quyền số…
Thu Phương (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đại đô thị thông minh, đẳng cấp quốc tế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đại đô thị thông minh, đẳng cấp quốc tế

Sáng 15/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025 đã khai mạc với sự tham gia của 444 đại biểu đại diện cho gần 25 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN