Hội thảo nằm trong Chương trình xây dựng Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. Đề án được Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, nhằm thực hiện mục tiêu: “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nêu rõ: Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tại doanh nghiệp Nhà nước đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Mục đích của Hội thảo là nhằm tập hợp ý kiến của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp Nhà nước; cung cấp, trao đổi các luận cứ khoa học và thực tiễn về việc thực hiện các chủ trương, chính sách quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, trọng tâm là việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước; kiến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp Nhà nước đến năm 2030.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn cản trở sức phát triển, khiến các doanh nghiệp Nhà nước chưa phát huy được hết tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chính đó là công tác cán bộ còn nhiều bất cập. Cụ thể, trình độ quản lý, năng lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp của một số cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế do việc bố trí công chức quản lý Nhà nước chuyển sang quản lý doanh nghiệp Nhà nước chưa phù hợp; quy trình tuyển chọn và bố trí cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, còn nặng về quy trình tuyển chọn có tính hành chính. Một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước yếu kém về năng lực quản lý, điều hành; sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để trục lợi cho cá nhân, gây thất thoát vốn tài sản Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.
Đề cập đến giải pháp, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò cấp ủy đối với công tác cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn. Trước hết là mô hình tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ. Đảng bộ khối cần tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác cán bộ giúp các Đảng ủy doanh nghiệp lãnh đạo toàn diện, trực tiếp nhất là quán triệt nhất quán về quy trình công tác cán bộ, khắc phục tình trạng lúng túng, không rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, quy hoạch cán bộ; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy doanh nghiệp, nhất là vị trí, vai trò của Ban thường vụ cấp ủy...
Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đề nghị từng bước thí điểm chủ trương thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ quy hoạch để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; cần giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm với cấp dưới trực tiếp; xây dựng quy định chế tài xử lý cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ; xây dựng cơ chế thuê Tổng giám đốc, Giám đốc điều hành...
Bên cạnh tiêu chuẩn chung, cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về lựa chọn người có năng lực, đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn đào tạo, kinh nghiệm, tầm nhìn chiến lược, năng lực quản trị và đạo đức... Phương thức lựa chọn người đại diện và điều hành doanh nghiệp Nhà nước cũng cần đổi mới theo hướng tuyển người kèm theo phương án kinh doanh; bỏ phiếu kín, lựa chọn những người được điểm cao nhất để bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo quản trị điều hành doanh nghiệp trong nhiệm kỳ 3 năm.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Nghiêm Xuân Đa cho rằng, công tác quy hoạch cán bộ cần phải bảo đảm tính "mở" và "động", mở rộng dân chủ, công khai, không khép kín. Cán bộ đưa vào quy hoạch phải bảo đảm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có năng lực thực tiễn, thể hiện được uy tín thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm và kết quả đánh giá cán bộ hằng năm. Đồng thời, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
Sau hội thảo, các ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các bộ, ngành, doanh nghiệp Nhà nước, chuyên gia và các nhà khoa học sẽ được Ban Kinh tế Trung ương cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu để hoàn thiện Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào năm 2022.