Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương nêu ý kiến: Với các Luật, Nghị định, Thông tư đã ban hành, nhiều tỉnh triển khai rất tốt nhưng ở Hải Dương việc triển khai lại rất chậm, chủ yếu vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, việc tính đơn giá khởi điểm để thực hiện công tác bồi thường, thu tiền sử dụng đất…
Điều này dẫn đến việc nhiều dự án, công trình trọng điểm, các khu đô thị, khu dân cư mới triển khai chậm, không đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho địa phương. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cũng đề nghị cơ quan chức năng làm rõ có hay không việc họp của Hội đồng thẩm định giá đất thường bị hoãn hoặc có trường hợp đợi gom nhiều dự án lại và họp để thông qua một lượt.
Hiện nay, Hải Dương đang triển khai nhiều dự án trọng điểm với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng/dự án, nhất là các dự án giao thông để liên kết với các tỉnh, thành khác… nhưng việc ban hành đơn giá, phương án bồi thường còn chậm; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các địa phương chưa tốt.
Ông Dương Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hải Dương cho rằng: Việc triển khai các dự án chậm là do cơ chế ở mỗi tỉnh khác nhau; mức độ phân cấp, ủy quyền ở mỗi địa phương cũng khác nhau. Hải Dương đang vướng mắc và triển khai chậm là do một số quy định của Luật Đất đai.
Hiện nay, theo Luật này, có 2 cơ quan chức năng cùng hướng dẫn về giá đất là ngành Tài chính, ngành Tài nguyên và Môi trường dẫn đến chồng chéo, lúng túng khi thực hiện. Đồng tình với quan điểm của Sở Tài chính, ông Nguyễn Đình Khuyến - Phó Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương chia sẻ, theo quy định cũ để thông qua một dự án chỉ mất một cuộc họp nhưng luật mới phải tiến hành ít nhất là 3 đến 4 cuộc họp với nhiều quy trình, thủ tục mới xong.
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho biết: Về công tác giải phóng mặt bằng, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở đã phối hợp với các ngành thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 24 dự án; tháo gỡ khó khăn trong công tác này cho 39 dự án.
Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt đơn giá bồi thường để làm cơ sở tính tiền bồi thường khi thu hồi đất thực hiện các dự án trọng điểm như: Đường trục Bắc - Nam, dự án cầu Mây, đường tỉnh 396, đường huyện 80…
Về công tác xây dựng giá đất, Sở Xây dựng theo đúng quy định của Luật, Nghị định, Thông tư và tham mưu trình UBND tỉnh họp thông qua phương án giá đất với các trường hợp thửa, lô đất có giá trị 20 tỷ đồng trở lên. Đối với mỗi dự án, Sở sẽ lấy ý kiến các thành viên UBND tỉnh trong thời gian 5 ngày làm việc để tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt giá đất làm cơ sở bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 162 dự án, trong đó có 4 dự án là công trình trọng điểm và công trình kết nối giao thông.
Tuy nhiên, việc xây dựng giá đất gặp không ít khó khăn như. Theo quy định của Luật Đất đai, chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất còn bất cập chưa đáp ứng được thực tiễn. Chất lượng một số hồ sơ đề nghị xác định giá đất do cấp huyện chuyển lên còn chưa đảm bảo và chưa sát với thực tế.
Nguồn nhân lực của sở cũng hạn chế trong khi mỗi năm, sở này phải xử lý trên 14.000 văn bản đến và đi, trong đó có hơn 1.500 văn bản về lĩnh vực giải phóng mặt bằng và giá đất. Đồng thời, Hải Dương còn gặp những khó khăn như: Chủ đất không hợp tác; hồ sơ lưu trữ không tốt; nhiều chủ đầu tư dự án tùy tiện hỗ trợ giá bồi thường cao hơn mức giá chung gây ra khiếu kiện…
Để thực hiện tốt việc xây dựng đơn giá khởi điểm để thực hiện việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị: Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng, các địa phương rà soát lại các văn bản, quy chế, quy định, đơn giá… để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế; tiếp tục nghiên cứu về phương pháp tính giá đất sát nhất với giá thị trường để có phương án bồi thường tốt nhất, đáp ứng quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng của các dự án nhất là đối với các dự án khu đô thị, khu dân cư.
Đối với trình tự, thủ tục cần công khai, minh bạch, chủ động hướng dẫn để các địa phương để tránh việc “trả đi - trả lại” hồ sơ do chưa đủ thủ tục. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực này cho các cán bộ chuyên trách, nhất là cán bộ ở các địa phương và cần xem xét, luân chuyển đối với những cán bộ không đủ năng lực…