Thực hiện lời dạy của Người, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng giữ vững và củng cố, bộ mặt nông thôn đổi mới rõ rệt. Chương trình xây dựng nông thôn mới được UBND xã tập trung chỉ đạo tích cực, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Năm 2016, xã xây dựng xong 19/19 tiêu chí, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Anh Phạm Ngọc Tư, xóm 1 thôn Hiệp Thọ, xã Hiệp Lực phấn khởi chia sẻ: Từ khi xã cho triển khai quy hoạch và hoàn thành các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhân rộng vùng sản xuất trồng cây ổi bo an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại các thôn, bà con đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thay cây lúa. Toàn xã thu nhập từ cây ổi lên đến hơn 100 triệu/ngày. Cây ổi phát triển, nhân dân xã Hiệp Lực xây được những ngôi nhà mới, mua ôtô, kinh tế gia đình phát triển. Hệ thống điện đường trường trạm ở địa phương ngày càng khang trang. Đời sống nhân dân khấm khá.
Trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Hiệp Lực có xuất phát điểm thấp về kinh tế, chưa tự cân đối được ngân sách, có hơn 80% nhân khẩu làm nông nghiệp, số hộ nghèo luôn ở mức cao. Về thổ nhưỡng, Hiệp Lực là xã thuộc đồng bằng sông Hồng, địa hình có hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, sự thiếu hụt bồi tích của hệ thống sông đã làm cho bề mặt phần lớn diện tích trong đồng thấp hơn bề mặt của bãi bồi ngoài đê và thường bị úng lụt vào mùa mưa.
Với quan điểm phát triển sản xuất nông nghiệp là gốc, xây dựng cơ sở hạ tầng là cần thiết, nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu, xã Hiệp Lực đã đưa chương trình phát triển nông nghiệp vào xây dựng nông thôn mới làm trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội để tập trung chỉ đạo. Địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các thôn, khu dân cư đã tập trung đẩy mạnh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa tạo mối liên kết, vừa khai thác, phát huy tối đa thế mạnh các mô hình cây, con đặc sản, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Năm 2005, một số nơi ở Hiệp Lực bắt đầu chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả đạt hiệu quả cao như mô hình trồng cây ổi bo theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn xã có trên 100 ha trồng ổi, tập trung nhiều ở thôn Hiệp Thọ, thôn Tiền. Xã Hiệp Lực xây dựng được vùng ổi VietGAP rộng 40 ha, xã còn có khoảng 10 ha trồng các loại cây mới như cam Canh, bưởi Diễn, mít... Từ đó, kinh tế của xã duy trì tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2016-2018 đạt hơn 513 tỷ đồng (trong đó năm 2018 đạt hơn 187 tỷ, tăng 32 tỷ 611 triệu đồng so với năm 2016).
UBND xã đã tập trung chỉ đạo khắc phục những ảnh hưởng bất lợi của địa hình, thời tiết, giá cả thị trường trong sản xuất nông nghiệp, các chính sách, nghị quyết hợp lòng dân được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 3 năm (2016-2018) đạt trên 277 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân 110% /năm. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 236 tỷ đồng đạt mức tăng trưởng bình quân (2016 - 2018) là 110% /năm.
Đến nay, cơ sở vật chất các thôn, làng ở xã Hiệp Lực cơ bản hoàn thiện, công sở xã được xây dựng khang trang theo chuẩn. Các tuyến đường nội thôn, các tuyến đường ngoài đồng, tuyến đường của xã và giao thông nông thôn đã hoàn thành 100% bê tông hóa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/người/năm, 100% số hộ trong xã được dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh. 95% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, bốn làng giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,85%, tái nghèo dưới 0,15%. Ba trường học giữ vững chất lượng giáo dục tiên tiến (trường Tiểu học, trường Mầm non giữ vững và phát huy danh hiệu trường chuẩn Quốc gia mức độ I).
Nhân dân xã Hiệp Lực đã khắc ghi hai câu thơ lẩy Kiều mà Bác Hồ tặng: “Trăm năm trăm cõi người ta/Chống úng thắng lợi mới là người ngoan” làm động lực vượt qua mọi khó khăn, thi đua sản xuất, cải thiện cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.