Để tìm hiểu rõ hơn về Chương trình này và các bước tiếp theo trong quá trình xây dựng chiến lược, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Xin Thứ trưởng cho biết thời gian qua Chương trình thương hiệu Quốc gia đã có những động thái gì giúp nâng cao chất lượng cho ngành thực phẩm Việt Nam? Ngành hàng thực phẩm có vị trí hết sức quan trọng và đây cũng là ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới, thậm chí đã đứng trong Top đầu về xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm.
Hàng nông sản và thực phẩm Việt Nam được giới thiệu tại nhiều hội chợ quốc tế. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN
|
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận thương hiệu của các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Chính vì vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận cũng như kim ngạch xuất khẩu và những lợi ích trực tiếp cho những người kinh doanh trực tiếp, nhất là nông dân. Do đó, một trong những nội dung phát triển thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và các đối tác; trong đó, có tổ chức xúc tiến nhập khẩu của Hà Lan (CBI) cũng như Dự án EU-Muttrap tổ chức xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam là nhiệm vụ cấp thiết.
Chiến lược này gồm 4 giai đoạn và hiện nay chúng ta đã thực hiện được 2 giai đoạn và giai đoạn thứ 3 sẽ hoàn tất trong năm 2016 và từ 2017 - 2020 là giai đoạn 4 của quá trình xây dựng thương hiệu thực phẩm. Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ xây dựng một loạt chương trình như quảng bá, tư vấn, truyền thông và xây dựng thương hiệu của ngành thực phẩm Việt Nam.
Qua 3 giai đoạn xây dựng chiến lược cho ngành thực phẩm Việt Nam, kết quả đến thời điểm này ra sao và Bộ Công Thương đã xác định đâu là mặt hàng chiến lược, thưa Thứ trưởng?
Trong 3 giai đoạn mà Chương trình đã và đang thực hiện và hết năm 2016 sẽ kết thúc giai đoạn 3, điều quan trọng nhất là chúng ta đã xác định được mục tiêu, phương pháp tiếp cận cho ngành thực phẩm của Việt Nam. Quan trọng hơn là xác định được điểm yếu mà hiện nay không chỉ của các doanh nghiệp mà còn là nhận thức của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã xây dựng được phương pháp và chiến lược để xây dựng được thương hiệu của ngành hàng quan trọng này. Đầu năm 2017, chúng ta sẽ bước sang giai đoạn thứ 4 và tập trung vào chiến lược cụ thể và bước tiếp cận để xây dựng thương hiệu của ngành thực phẩm Việt Nam.
Cùng với đó, qua quá trình triển khai 3 giai đoạn chiến lược xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm Chương trình thương hiệu Quốc gia cũng đã xác định được mặt hàng chiến lược cụ thể. Tất nhiên, vẫn phải dựa vào các mặt hàng có thế mạnh hiện nay của Việt Nam như thủy hải sản, trái cây và sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, Chương trình thương hiệu Quốc gia vẫn đánh giá cao việc hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài được đánh giá ra sao, thương hiệu có khẳng định được chữ tín trên trường quốc tế hay không. Đặc biệt, với những thị trường chúng ta đang xuất khẩu sẽ đánh giá về các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam cũng như giá trị gia tăng của các mặt hàng này có đạt với mục tiêu mà chương trình đề ra hay không là điều quan trọng hơn cả.
Về phía cơ quan chức năng, Bộ Công Thương đã có những hỗ trợ gì để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài?
Trong Chương trình thương hiệu Quốc gia Việt Nam có một nội dung hết sức quan trọng đó là việc tư vấn và bảo vệ nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các doanh nghiệp Việt Nam khi có mặt tại các thị trường quốc tế.
Không chỉ riêng với mặt hàng nước mắm Phú Quốc mà ngay cả nhiều mặt hàng khác khi tham gia vào Chương trình thương hiệu Quốc gia hoặc có tham gia và có sự giới thiệu, kết nối với các cơ quan xúc tiến thương mại của địa phương cũng như của các bộ ngành; trong đó, có Bộ Công Thương đều nhận được hỗ trợ về pháp lý.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!