Xử lý "hệ lụy" tăng lương tối thiểu: Thấp thỏm giá tăng

Phương án tăng lương tối thiểu vùng (áp dụng cho khu vực doanh nghiệp) đã được Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua vào đầu tháng 9, với mức tăng 12,4%. Tuy nhiên cả phía công nhân và doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều trăn trở.


Mong giá cả ổn định

Các công nhân ở khu công nghiệp tại Hà Nội cho biết đang canh cánh nỗi lo giá sẽ tăng theo lương tối thiểu. Chị Bùi Thu Hạnh, làm việc Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Mấy ngày nay, chủ nhà đã nói bóng nói gió là sẽ tăng tiền thuê nhà trọ. Đã vậy, lại có thông tin tiền điện có thể tăng, nên chủ nhà trọ sẽ nhân cơ hội này tăng (tiền điện chúng tôi đang phải trả là 4.000 đồng/số). Nếu giá dịch vụ mà tăng như vậy thì quy chung mức sống chúng tôi vẫn không được cải thiện là mấy”.

Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (Đông Anh).


Còn anh Phạm Văn Chiến, công nhân điện KCN Thạch Thất (Hà Nội) chia sẻ: “Kinh nghiệm 2 lần tăng tối thiểu trong 2 năm qua cho thấy tổng thu nhập không tăng lên là bao, bởi chủ doanh nghiệp khi tăng lương tối thiểu, sẽ tiết giảm các khoản khác. Cũng may cho chúng tôi giá dịch vụ quanh KCN Thạch Thất không tăng là mấy, nên cuộc sống còn dễ thở. Chính vì vậy, ổn định giá cả dịch vụ là điều mà công nhân chúng tôi mong nhất lúc này”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI:

Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, chỉ có phát triển mạnh các ngành thâm dụng lao động và xuất khẩu như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, công nghiệp chế biến… mới có thể giải quyết được vấn đề việc làm cho người nông dân và thu nhập của người lao động tại khu vực nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động giá rẻ do tính chất gia công. Lao động giá rẻ sẽ vẫn được doanh nghiệp Việt Nam sử dụng trong nhiều năm tới. Vì thế, để phát triển những ngành gia công này, các chính sách làm tăng chi phí lao động như tiền lương tối thiểu vùng cần được cân nhắc một cách thận trọng. Việc tăng lương tối thiểu để người lao động có được mức sống tối thiểu là việc cần thiết và phải làm, nhưng việc tăng lương tối thiểu quá cao sẽ lấy mất đi cơ hội thoát nghèo của các hộ nông dân muốn chuyển đổi sang làm công nhân.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ:

Mức tăng lương tối thiểu vùng 12,4% là hợp lý để vừa đảm bảo đời sống người lao động, vừa tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên với tốc độ tăng lương tối thiểu như hiện nay sẽ có việc dịch chuyển đầu tư những ngành sử dụng nhiều nhân công sang các khu vực 3 và 4, nơi có giá nhân công rẻ hơn.

Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam):

Mức tăng lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu theo lộ trình đến năm 2018 theo quy định của Luật Lao động. Có đảm bảo đời sống thì mới tăng năng suất lao động. Thực tế, đời sống công nhân các KCN- KCX đang sống rất khó khăn. Nhiều người đến với bàn tay trắng và khi rời KCN- KCX cũng vẫn là hai bàn tay trắng.

Làm tại xưởng cơ khí của Công ty HONG IK Vina (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đã được 4 năm, anh Lê Văn Lê (quê Nghệ An) cho biết: "Hai vợ chồng tôi cùng làm ở công ty này, tháng nào cũng đăng ký tăng ca mà thu nhập cũng chỉ khoảng 11 triệu đồng. Tiền thuê nhà, tiền gửi con, tiền ăn, chi phí sinh hoạt tằn tiện lắm mới đủ. Con còn nhỏ mà không có tiền dự trữ, nên tháng nào cháu bị ốm là chúng tôi khổ sở vô cùng, kiểu gì tháng sau cũng phải bớt ăn, bớt tiêu bù lại”. Theo anh Lê, hầu hết công nhân trong công ty anh đều theo dõi rất sát diễn biến của quá trình thương lượng và hơi thất vọng khi biết mức tăng không được như mong đợi.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn KCN- KCX Hà Nội, “Công nhân phải thuê trọ gặp nhiều áp lực do giá dịch vụ thường bị các chủ nhà trọ áp giá kinh doanh. Phòng trọ hơn 10 m2 giá 700.000 - 800.000 đồng/tháng, tiền nước giếng khoan 60.000 - 80.000 đồng/người/tháng, tiền điện áp giá kịch biên thường trên 4.000 đồng/số. Khó khăn nhất là những cặp vợ chồng có con nhỏ do các cơ sở trường học mầm non quanh khu công nghiệp thiếu, nên giá gửi trẻ 1,5 - 2 triệu đồng/trẻ/tháng, tùy từng độ tuổi”.

Doanh nghiệp tìm giải pháp thích ứng

Về phía doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu vùng ở mức 12,4% cũng tạo nhiều sức ép, nhất là với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Tài chính Công ty Cổ phần sản xuất - thương mại May Sài Gòn cho biết: “Với mức tăng lương tối thiểu 12,4%, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nặng nề nhất là chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tăng”.

Theo bà Liên, giá nguyên liệu đầu vào ngành may mặc thời gian tới được dự báo sẽ tăng cũng khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn. “Trong 6 tháng đầu năm 2015, công ty đã phải bù thêm gần 12 tỷ đồng để đảm bảo thu nhập cho công nhân. Dù chưa tổ chức một cuộc họp nào sau khi Hội đồng tiền lương chốt mức tăng 12,4%, nhưng chắc chắn công ty sẽ phải đưa ra những giải pháp giải quyết những vấn đề phát sinh để vừa đảm bảo đời sống của 4.500 lao động, vừa thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp”, bà Liên cho biết.

Trước áp lực tăng lương, tăng chi phí trong năm 2016, Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Huê, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu phải tính đến các giải pháp để đảm bảo đời sống của hơn 300 công nhân trong công ty. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Trưởng phòng Tiếp thị và Xuất nhập khẩu, Công ty Vĩnh Huê, bên cạnh việc duy trì các hoạt động để tiết kiệm chi phí, công ty sẽ tiếp tục phát động các phong trào thi đua, kêu gọi công nhân tham gia các chương trình, cuộc thi sáng kiến hữu ích tìm ra những cách làm mới vừa tăng năng suất lao động, vừa hạn chế phế phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp các KCN- KCX Thành phố Hồ Chí Minh, mức tăng lương tối thiểu 12,4% sẽ khiến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực nhưng chăm lo, cải thiện đời sống người lao động là việc phải làm. Đời sống người lao động tốt hơn thì mới an tâm làm việc, cống hiến, khi đó doanh nghiệp mới phát triển được.

Xuân Minh - TTN
Lấy thêm ý kiến các bộ, ngành, địa phương
Lấy thêm ý kiến các bộ, ngành, địa phương

Lo ngại của người lao động về giá cả sẽ tăng theo lương tối thiểu là có cơ sở bởi các đợt tăng giá khi tăng lương tối thiểu trước đây đã xảy ra tình trạng một số giá dịch vụ cơ bản bị đẩy lên theo kiểu “đục nước béo cò” gồm giá thuê phòng, điện nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN