Theo ông Phúc, cơ bản diện tích rừng tự nhiên của huyện Văn Yên đều thuộc các xã vùng cao đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân chủ yếu sống nhờ vào rừng, trong khi đất sản xuất ít, do vậy việc xâm lấn đất rừng, nhất là rừng tự nhiên sản xuất, rừng phòng hộ nghèo kiệt gần khu dân cư vẫn tái diễn.
Theo báo cáo của UBND huyện Văn Yên, trong năm 2019, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền các xã Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Châu Quế Thượng tiến hành nhổ bỏ 8 ha quế trồng xen vào rừng tự nhiên. Trong những tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện chưa phát hiện diện tích xâm lấn đất rừng tự nhiên, phòng hộ trên toàn địa bàn.
Trên thực tế, diện tích xâm lấn đất rừng ở huyện Văn Yên không nhiều, phần lớn là để trồng quế, khi xâm lấn người dân không phát bỏ rừng mà trồng xen quế dưới tán rừng, khi cây quế lớn thì dọn tỉa cây tự nhiên để cây quế phát triển thành rừng. Đây là một trong những hình thức xâm lấn đất rừng rất khó phát hiện và nguy hiểm, nếu không kiên quyết xử lý nghiêm thì diện tích rừng tự nhiên sẽ "biến" thành rừng quế, khi đó sẽ rất khó trong xử lý để trả lại đất cho rừng tự nhiên.
Thời gian tới, để hạn chế tình trạng người dân lấn chiếm rừng, Ngành Kiểm lâm huyện Văn Yên tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Chính quyền huyện Văn Yên cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, tăng cường kiểm tra, nắm bắt diễn biến rừng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm. Với những vụ việc phát sinh, nếu có vi phạm đủ điều kiện truy tố sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật để công tác bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc, triệt để.
Ông Doãn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Thời điểm mùa xuân và mùa thu là thời vụ trồng quế đạt hiệu quả nhất, vì vậy Ban Chỉ đạo mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Văn Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã xây dựng kế hoạch bảo vệ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng; tiếp tục kiện toàn các Ban chỉ đạo mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững từ huyện đến cơ sở; duy trì củng cố 158 tổ, đội xung kích bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng tới 3.000 hộ dân sống gần rừng.