Cá ngừ, hải sản kéo đà tăng trưởng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sở dĩ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng mạnh là nhờ tăng trưởng xuất khẩu ở mặt hàng cá ngừ và hải sản. Trong khi đó, tôm và cá tra lại có nguồn nguyên liệu khá hạn chế từ cuối năm 2016 đến nay, giá nguyên liệu tăng mạnh khiến xuất khẩu hai sản phẩm chủ lực này tăng trưởng chậm lại.
Ngư dân vận chuyển cá ngừ vây xanh lên bờ. Ảnh: Thế Lập/TTXVN |
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, tuy nhiên xuất khẩu thủy sản được dự báo vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 216 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cá ngừ đông lạnh cũng tăng 11%. Kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 199 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự tăng trưởng của mặt hàng thủy, hải sản khai thác cũng được thể hiện rõ nét ở những doanh nghiệp chế biến thủy sản từng bị ảnh hưởng nặng nề từ sự cố Formosa. Theo ông Trần Đình Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh (SHATICO), trong năm 2016, do công ty nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố Formosa nên có lúc thiếu nguyên liệu chế biến lên đến 60-70%. Hoạt động của nhà máy khi đó chỉ mang tính cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa hàng tháng trời.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi mà sản lượng thủy, hải sản khai thác của ngư dân tăng lên đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng nguyên liệu SHATICO thu mua đã tương đương với cả năm 2016, khoảng 1.000 tấn nguyên liệu.
“Nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào và nhu cầu tiêu thụ hải sản ở các thị trường tăng nên xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay có sự tăng trưởng khá tốt. Nếu như kim ngạch xuất khẩu thủy sản của SHATICO trong năm 2016 chỉ đạt 2,6 triệu USD thì 6 tháng đầu năm nay, con số này đã ước khoảng 2 triệu USD”, ông Nam cho biết.
Đáng chú ý, phần lớn các sản phẩm chế biến của doanh nghiệp này được xuất khẩu qua Nhật Bản. Theo các doanh nghiệp, không chỉ riêng Nhật Bản, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng hải sản ở các thị trường khác cũng có sự tăng trưởng khá mạnh. Trong khi xuất khẩu tôm và cá tra còn nhiều khó khăn thì xu hướng dịch chuyển về cơ cấu sản phẩm theo hướng nghiêng dần sang các mặt hàng hải sản cũng được VASEP dự báo sẽ tiếp tục trong những tháng tới và cả năm nay.
Vẫn còn nhiều thách thức Xuất khẩu cá ngừ thắng lớn trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Thế Lập/TTXVN |
Số liệu thống kê từ VASEP cho thấy, những tháng nửa đầu năm, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Hoa Kỳ có sự sụt giảm khá mạnh, lên đến 12,7% so với cùng kỳ năm 2016; thị trường EU cũng có giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ. Ba thị trường còn lại trong số trên có sự tăng trưởng xuất khẩu khá ấn tượng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản tăng 29,3% so với cùng kỳ, Trung Quốc tăng 20,1% và Hàn Quốc tăng 26,1%.
Theo nhận định của VASEP, với đà tăng trưởng như trên, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ khó có thể hồi phục trong những tháng cuối năm. Nhất là khi Chính phủ nước này nhiều khả năng sẽ tăng hàng rào kỹ thuật, bảo hộ và thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, thuế chống bán phá giá tôm và cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn còn khá cao; chương trình thanh tra cá da trơn sẽ áp dụng chính thức từ tháng 9/2017… sẽ là những thách thức của ngành khi xuất khẩu vào thị trường này. Tại thị trường EU, sự cố truyền thông bôi nhọ cá tra Việt ở một số nước trong khu vực có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong thời gian tới.
Còn ở trong nước, vấn đề nguyên liệu tôm, cá tra hiện đã được cải thiện đáng kể, không còn tình trạng thiếu hụt nguyên liệu như đầu năm. Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, tình hình nuôi tôm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm nay diễn biến khá thuận lợi, hầu hết nhà máy thủy sản có đủ nguyên liệu trong nước để chế biến. Tuy nhiên, giá nguyên liệu vẫn ở mức khá cao do phải cạnh tranh với các thương lái bán hàng qua Trung Quốc. Với mức giá nguyên liệu như hiện nay, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị giảm thấp đáng kể.
Ngoài ra, việc thương lái bán nguyên liệu sang Trung Quốc cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp dấy lên lo lắng về vấn đề kiểm soát chất lượng. Không chỉ riêng mặt hàng tôm mà các doanh nghiệp cá tra cũng đang có nhiều “tâm tư” về vấn đề này.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất hiện nay của Việt Nam. Dù nhu cầu tiêu thụ cá tra ở thị trường này vẫn tiếp tục tăng cao, tuy nhiên các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cần chủ động kiểm soát chất lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường này kể cả xuất khẩu chính ngạch hay tiểu ngạch. Đây là giải pháp quan trọng nhất để nâng giá trị cá tra Việt Nam cũng như không còn tình trạng đóng cửa nhập khẩu cá tra bất thường như nhiều loại nông sản khác hiện nay.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản khai thác chiếm ưu thế lớn, tuy nhiên tăng trưởng của các ngành hàng này lại phụ thuộc rất lớn vào sản lượng khai thác, đánh bắt của ngư dân. Do vậy, để ngành thủy sản phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần có sự linh hoạt về thị trường và sản phẩm khi cần thiết.