Khả năng xuất khẩu cả năm 2013 sẽ cán mốc 131 tỷ USD, vượt 4% mục tiêu do Quốc hội đề ra. Thông tin này được công bố tại giao ban trực tuyến tháng 9 do Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (30/9).
Xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ tăng cao
Trong năm 2013, Quốc hội đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng 10% so với năm 2012 (khoảng 126,1 tỷ USD). Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, nếu không có gì đột biến, khả năng xuất khẩu cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 131 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2012, cao hơn 4% so với mục tiêu của Quốc hội.
May hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty may Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội). Trần Việt - TTXVN |
Tính trong 9 tháng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước đã đạt 96,46 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2012. Đáng chú ý, chiếm hơn 69,7% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là nhóm hàng công nghiệp chế biến. Kim ngạch nhóm hàng này ước đạt 67,24 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Tiến Vị (Bộ Công Thương), đây là nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nổi bật trong nhóm hàng này là mặt hàng điện thoại các loại tăng 75,5%; mặt hàng linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng 45,3%.
Về thị trường, ông Vị cho biết 9 tháng đầu năm 2013 thị trường châu Âu có mức tăng trưởng cao nhất, ước tăng 21,9%. Tiếp đến là thị trường châu Mỹ ước tăng 13,4%; thị trường châu Á đứng thứ 3 với mức tăng là 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
“Bộ Công Thương sẽ nỗ lực triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn và vướng mắc cho sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu trên cơ sở nắm bắt thông tin và tình hình từ các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp”. Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh. |
Bộ Công Thương nhận định: Tình hình xuất khẩu vẫn có xu hướng tăng bởi theo thống kê những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Với mục tiêu Quốc hội đặt ra trong năm 2013 tăng trưởng kim ngạch 10% (khoảng 126,1 tỷ USD), trong 9 tháng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 96,46%, dự kiến cả năm 2013 tăng trưởng xuất khẩu sẽ cán đích với mức 15,6%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đặt ra 4%.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho rằng, để đạt được kết quả xuất khẩu nêu trên, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội của các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể, lượng hàng hóa xuất khẩu do tận dụng được C/O ưu đãi trong 9 tháng đạt 60%, đáng chú ý thị trường Hàn Quốc đã tận dụng được tới 90%; tại thị trường các nước ASEAN và Nhật Bản, con số là 55%. Hiện nay, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu tận dụng được các ưu đãi thuế từ các hiệp định chiếm 16-17%, trong khi năm 2012 con số này chỉ đạt 14%.
Tuy nhiên, để đạt được con số trên, ông Phan Văn Chinh khuyến nghị các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa hơn các lợi thế có được từ các hiệp định thương mại đã ký. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính hơn nữa để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc cấp C/O.
Ông Chinh cũng kiến nghị các bộ liên quan cần sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc nộp thuế và bảo lãnh thuế. Luật Thuế đã thông qua nhưng một số văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành đã gây ít nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết để gia tăng xuất khẩu, tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống đồng thời quan tâm phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ Latinh.
Trong 9 tháng qua, một số mặt hàng chủ lực như: dệt may, da giày, sản phẩm gỗ... có quy mô xuất khẩu lớn nhưng tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước đã thể hiện sự khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đặc biệt rơi vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, vì vậy vẫn cần lưu ý để có biện pháp hỗ trợ trong việc đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Vừa qua, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đương đầu với các vụ kiện thương mại từ các thị trường nhập khẩu. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường, kịp thời thông báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản của các nước nhập khẩu nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa, tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.
Thu Hường