Xuất khẩu gạo Việt Nam: Cấp bách nhu cầu nâng cao chất lượng - Bài 1

 Hiện Việt Nam đang là “cường quốc” xuất khẩu (XK) gạo, sau khi lần đầu tiên vượt qua Thái Lan về lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhiều người trong cuộc, để tiếp tục duy trì vị trí này, đã đến lúc ngành lúa gạo Việt Nam nên tập trung vào chất lượng, thay vì chỉ chạy theo số lượng như những năm qua. Bởi theo dự báo, sự cạnh tranh sắp tới trong xuất khẩu gạo không phải là số lượng mà là chất lượng.

Năm 2012, trong khi gạo chất lượng cao, gạo thơm được bạn hàng nước ngoài “săn đón” thì giao dịch của loại gạo phẩm cấp thấp vốn được xem là thế mạnh của Việt Nam lại trầm lắng. Nguyên nhân là giá loại gạo này trên thế giới giảm mạnh và nguồn cung từ các “đối thủ” XK của Việt Nam đều tăng vọt.


Đa số gạo 25% tấm


Trong 3 năm gần đây, lúa gạo Việt Nam liên tục phát triển phá vỡ những kỷ lục mới trong XK và năm 2012, lần đầu tiên “soán ngôi” Thái Lan trong XK gạo. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, gạo XK của Việt Nam chủ yếu vẫn là gạo 25% tấm cho phẩm cấp thấp với giá trị không cao, trong khi đó, gạo chất lượng cao (5% tấm) vẫn chưa cạnh tranh được với Thái Lan. Điều này xuất phát từ nhu cầu gạo phẩm cấp thấp trong thời gian qua rất lớn và ngành nông nghiệp đã chú trọng nghiên cứu phát triển những giống lúa chất lượng thấp nhưng cho năng suất cao.


Sản lượng nhiều nhưng chất lượng không cao cũng không mang lại lợi nhuận nhiều cho XK.


Dự đoán được xu thế nhu cầu về gạo, các năm gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo các tỉnh cần hạn chế gieo sạ những loại lúa chất lượng thấp. Theo đó, diện tích trồng lúa chất lượng thấp chỉ nên hạn chế ở mức khoảng 20% và phần diện tích còn lại sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm...”Tuy nhiên thực tế, khuyến cáo này lại không xuất phát từ dự báo nhu cầu của thị trường, mà chủ yếu dựa trên tính toán về cân bằng sinh thái cây trồng của vùng, nên người nông dân không mấy lưu tâm. Họ vẫn sản xuất tự do theo cảm tính và thường tin theo lời khuyên của thương lái hơn những dự báo của ngành chức năng”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết.


Thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từ lâu đơn vị này đã nhiều lần cảnh báo không nên gieo trồng một loại giống vượt quá 15%, đặc biệt đối với giống lúa IR50404 vốn cho chất lượng không cao. Tuy nhiên, chỉ tính vụ hè thu năm 2012, diện tích trồng lúa IR50404 vẫn chiếm hơn 25%. Nguyên nhân chính là do giống lúa này dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất cao... trong khi tiêu thụ lại dễ. Theo ông Phong, do giá không quá cao, hiện gạo phẩm cấp trung bình, cấp cao và gạo thơm vẫn có thể cạnh tranh về giá nhưng gạo phẩm cấp thấp gần như “bó tay” vì sự cạnh tranh khốc liệt của các “đối thủ” mới nổi.


Khó khăn đầu ra


Nhiều năm theo dõi tình hình XK lúa gạo, thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên cho hay, hiện thế giới đang hình thành “thế chân vạc” về giá với gạo cấp thấp thuộc về Ấn Độ, Mianma; gạo giá cao do Mỹ và Thái Lan chi phối. Riêng Việt Nam và Pakixtan nắm giữ thị trường gạo giá trung bình. “Vốn là quốc gia có lợi thế mạnh về XK gạo phẩm cấp thấp, nhưng hiện nhiều thị trường truyền thống của Việt Nam đã không còn nhập khẩu nhiều như trước. Cụ thể, do tồn kho cao, Ấn Độ đã chiếm lĩnh thị trường gạo phẩm cấp thấp ở những quốc gia vốn vẫn nhập khẩu nhiều của ta như: Bănglađét, châu Phi... Philíppin thì hiện nhập không nhiều. Ở thị trường mới nổi và rất nhiều doanh nghiệp XK gạo đang kỳ vọng là Trung Quốc, dù vẫn còn mua bán tốt nhưng đây là thị trường thiếu ổn định, rủi ro cao”, ông Biên nói thêm.


Theo TS Trần Công Thắng (Viện chính sách và phát triển nông nghiệp nông thôn), từ sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhiều nước đã điều chỉnh lại chính sách theo hướng tự chủ lương thực, giảm nguồn cung từ bên ngoài. Hiện các quốc gia trong khu vực đã và đang tăng cường trợ giá đầu vào, duy trì đất lúa, đầu tư cho khoa học, khuyến nông nhằm từng bước tự cung tự cấp được lương thực. Với nhiều tiềm năng, Mianma đang thay đổi chính sách và sẽ là nhà XK gạo trong tương lai, đặc biệt ở phân khúc gạo phẩm cấp thấp. Trong khi đó, những bạn hàng truyền thống của Việt Nam đã có các chính sách hạn chế nhập khẩu gạo như: Inđônêxia kỳ vọng đến năm 2014 sẽ tự cung cấp đủ gạo cho nhu cầu nội địa, Malaixia với thời điểm năm 2013 có kế hoạch tự cung cấp đủ gạo, riêng Philíppin giữ quan điểm hạn chế nhập khẩu gạo...


Bài và ảnh: Lê Nghĩa


Xuất khẩu gạo Việt Nam: Cấp bách nhu cầu nâng cao chất lượng -Bài 2
Xuất khẩu gạo Việt Nam: Cấp bách nhu cầu nâng cao chất lượng -Bài 2

“Chỉ tính 10 tháng đầu năm 2012, sản lượng lúa thu hoạch vụ đông xuân và hè thu đạt khoảng 20,5 triệu tấn, năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN