“Chỉ tính 10 tháng đầu năm 2012, sản lượng lúa thu hoạch vụ đông xuân và hè thu đạt khoảng 20,5 triệu tấn, năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha. Chi phí sản xuất tăng, trong khi giá bán ra thấp hơn so với cùng kỳ nên lợi nhuận của nhà nông đã giảm khoảng 3,3 triệu đồng/ha”, bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết.
“Nghiện” số lượng lớn...
Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2012, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết năm 2012 cả nước xuất khẩu (XK) hơn 7,7 triệu tấn gạo, đạt khoảng 3,5 tỉ USD, tăng gần 8,3% về số lượng nhưng đặc biệt giảm gần 2% về trị giá so với năm 2011. “Có tới 53% gạo XK của các doanh nghiệp trong nước thuộc phân khúc trung bình và thấp đã dẫn đến kết quả dù lượng XK nhiều hơn năm 2011 là 60.000 tấn gạo nhưng ngoại tệ thu về ít hơn khoảng 70 triệu USD”, ông Phong phân tích.
Sản lượng xuất khẩu hàng năm đều tăng, nhưng thực tế thu nhập của nhà nông lại không tăng tương ứng. |
Trái ngược với thông tin “lạc quan” của ngành chức năng, theo số liệu thống kê mới nhất của VFA, năm qua Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ hai thế giới và Ấn Độ với lượng XK 9,7 triệu tấn gạo mới thật sự chiếm “ngôi vương”. Riêng Thái Lan vốn từng giữ vị trí số một suốt gần 30 năm qua đã xuống vị trí thứ ba với 6,5 triệu tấn. Theo các chuyên gia kinh tế, do muốn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân khi tăng cường thu mua dự trữ, Thái Lan chỉ tạm thời mất danh hiệu đầu bảng thế giới về XK gạo và việc quốc gia này đẩy mạnh bán ra, cũng như trở lại vị trí dẫn đầu chỉ là vấn đề thời gian và trong tương lai gần.
Thực tế, tiềm năng XK của Thái Lan là rất lớn với hơn 10 triệu tấn gạo/năm và là con số “khát khao” của Việt Nam. Hiện không ít doanh nghiệp trong nước đang “nín thở” chờ đợi “cơn sóng thần XK” từ “đối thủ khó nhằn” này. Theo dự báo của Hội đồng ngũ cốc Thế giới, do tiềm lực còn dồi dào, năm 2013 Thái Lan sẽ dễ dàng giành lại vị trí thứ nhất thế giới về XK gạo (ước tính 7,9 triệu tấn); Ấn Độ thứ nhì (6,9 triệu tấn) và Việt Nam sẽ tụt xuống thứ ba (6,7 triệu tấn). “Theo tôi, thời gian tới, việc làm sao nâng cao được giá trị giúp nhà nông thật sự thoát nghèo bền vững mới là điều ưu tiên hàng đầu. Đã đến lúc chúng ta không nên ảo tưởng ở các con số mà cần quan tâm vào thực chất là đầu tư tạo ra sản phẩm chất lượng, làm tốt khâu thị trường để bán được giá cao”, ông Nguyễn Thành Biên, thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định.
... nhưng giá trị không cao
Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, phần lớn người trồng lúa ở Việt Nam trồng theo quy mô rất nhỏ. Chỉ tính tại đồng bằng sông Cửu Long vốn cung cấp đến 90% lượng gạo XK với khoảng 4 triệu hộ trồng lúa, nếu tính quy mô trung bình khoảng 4,4 nhân khẩu/hộ và theo “kỳ vọng” của ngành nông nghiệp là đạt 30% lợi nhuận từ làm lúa giữ lại cho nhà nông, sẽ chỉ cho lợi nhuận bình quân hơn 300.000 đồng/người/tháng. Với mức cân đối này, người trồng lúa vẫn có thu nhập dưới cả ngưỡng nghèo (quy định 400.000 đồng/người/tháng). Hiện dù XK số lượng lớn, nhưng nếu xét về mặt giá trị, lợi nhuận từ XK gạo của Việt Nam đứng sau cả Thái Lan và Ấn Độ. Vì vậy, điều quan tâm là số tiền thu về, vì nếu XK với số lượng nhiều nhưng lượng ngoại tệ không tăng tương ứng cũng khó cho ý nghĩa xã hội cao.
Bên cạnh đó, năm 2012, giá XK gạo trung bình của Việt Nam đạt khoảng 447 USD/tấn, thấp hơn khoảng 40 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi chi phí đầu vào tăng thì giá lúa trong nước còn giảm hơn nhiều. Nhìn về thị trường XK gạo năm 2013, theo ông Phong, diễn biến sẽ có thể lặp lại như năm trước, thậm chí còn khó khăn hơn khi Malaixia, châu Phi vẫn còn đủ gạo cho đến hết quý 1 năm 2013. Trong khi đó, Mianma sẽ là đối thủ cạnh tranh chủ yếu, đặc biệt với loại gạo phẩm cấp thấp khi giá bán của nước này rất thấp.
“Sản xuất và XK lúa gạo phải thay đổi bắt đầu từ chính sách đầu tư, nâng cao chuỗi giá trị, xây dựng mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tập trung vị trí người trồng lúa bằng việc quan tâm tới lợi ích của những người trực tiếp làm ra lúa gạo... Đặc biệt, phải phấn đấu làm sao có sản lượng lúa gạo chất lượng cao đủ lớn nhằm từng bước xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường XK gạo quốc tế”, ông Biên nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Bài cuối: Nâng cao chất lượng gạo Việt Nam - Việc cần làm ngay