Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5/2014 ước đạt 2,278 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 5 tháng đầu năm lên 12,12 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2013.Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 5,94 tỷ USD, tăng 5,1%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,83 tỷ USD, tăng 25%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 2,46 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Chế biến điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần xuất khẩu nông sản Ninh Thuận. Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục duy trì là ngành hàng có sự gia tăng cả về sản lượng cũng như giá trị.
Cụ thể, sản lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 5/2014 ước đạt 154.000 tấn với giá trị đạt 336 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm ước đạt 966.000 tấn và đạt 1,96 tỷ USD; tăng 36,7% về khối lượng và tăng 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh là ngành tiêu tăng 33,6% về khối lượng và tăng 42,3% về giá trị. Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 5 ước đạt 17.000 tấn, đạt 126 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 5 tháng đầu năm lên 92.000 tấn và đạt kim ngạch 645 triệu USD.
Ngành hạt điều liên tiếp có sự tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị, tăng tương ứng 10,8% và 11,5% so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể: Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 5 ước đạt 23.000 tấn với giá trị đạt 151 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2014 đạt 98.000 tấn với 618 triệu USD.
Đặc biệt, ngành thủy sản vẫn duy trì là ngành xuất khẩu mũi nhọn với giá trị xuất khẩu tháng 5 ước đạt 552 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 2,83 tỷ USD; tăng 25% so với cùng kỳ năm 2013.
Bên cạnh nhiều mặt hàng nông sản chính có sự phục hồi tăng về lượng và giá trị xuất khẩu thì một số mặt hàng vẫn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5 năm 2014 ước đạt 591.000 tấn với giá trị 259 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2014 ước đạt 2,65 triệu tấn và giá trị ước đạt 1,19 tỷ USD, giảm 10,2% về khối lượng, và giảm 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý nhất là thị trường Philippines có sự tăng trưởng đột biến trong 4 tháng đầu năm với mức tăng gấp 5,26 lần về khối lượng và tăng 5,79 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Với mức tăng trưởng này, Philippinnes vươn lên vị trí đứng thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 18,66% thị phần, tiếp đến là Gana, Singapore, chiếm thị phần lần lượt là 5,35% và 4%.
Thu Phương