Để thực hiện tốt kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với mục tiêu sản phẩm OCOP được người tiêu dùng trong nước cũng như khách quốc tế biết đến nhiều hơn, các chủ thể tham gia OCOP mong muốn sản phẩm được trưng bày, giới thiệu, quảng bá rộng rãi, thông qua các hội chợ, điểm trưng bày, xúc tiến thương mại...
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, từ nay đến cuối năm 2020, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt kế hoạch triển khai Chương trình OCOP thành phố Hà Nội đến năm 2020 theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2020 tổ chức đánh giá, phân hạng và trình UBND thành phố quyết định công nhận trên 700 sản phẩm OCOP đạt từ cấp 3 sao trở lên.
Thực hiện Chương trình OCOP, năm 2019, Hà Nội đã có 301 sản phẩm của 18 quận, huyện, thị xã được phân hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 6 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia, 207 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Từ lợi thế này, Hà Nội phấn đấu năm 2020 sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có từ 500 sản phẩm trở lên được đánh giá, xếp hạng cấp thành phố (hạng 3 - 4 sao), 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia (hạng 5 sao).
Năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã khảo sát lựa chọn các địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Cụ thể, tại khu vực các cửa hàng ở nhà ga, sân bay, bến xe, bến tàu; các trạm, điểm dừng, nghỉ trên cao tốc, quốc lộ; các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; các cửa hàng trong khu du lịch, nhà hàng, khách sạn; các khu vực làng nghề truyền thống; các khu trung tâm dịch vụ thương mại cấp huyện, cấp xã, các điểm công nghiệp; các trung tâm hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã chọn 5 điểm để trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP của Hà Nội như, cửa hàng Hợp tác xã Vụn Art - phường Vạn Phúc; cửa hàng cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão, phường Vạn Phúc; cửa hàng Xuân Cường Hadicraft địa chỉ tại M18 khu đấu giá Ngô Thì Nhậm; cửa hàng rau an toàn, chợ Hà Đông và điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương.
Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá đều là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên bao gồm: sản phẩm lụa tơ tằm, rau củ quả an toàn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực.
Thông qua các địa chỉ này, các sản phẩm nông thôn tiêu biểu Hà Nội sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, làm cơ sở để các hợp tác xã, các doanh nghiệp, các đơn vị và bà con nông dân tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đưa các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố đó giới thiệu đến người dùng Thủ đô tại các điểm bán này.
Cùng với đó, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới và đào tạo tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện Chương trình OCOP; nâng cấp, tích hợp hệ thống truy xuất sản phẩm OCOP…
Chủ một cơ sở mây tre đan ở huyện Chương Mỹ cho biết, được sự quan tâm của các cấp, các ngành đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề, tôi hy vọng các sản phẩm OCOP sẽ phát triển mạnh mẽ không chỉ trong nước mà ở cả nước ngoài. Đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho bà con trong làng nghề…
Năm 2020, Hà Nội dự kiến sẽ khai trương 25 điểm; năm 2021, Hà Nội phấn đấu có khoảng 60 - 70 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm 0COP tại các quận, huyện, thị xã, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các cửa hàng ở nhà ga, sân bay, các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn...