Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 2657/CT-CHK ngày 21/6/2021 yêu cầu các hãng hàng không (người khai thác tàu bay), đơn vị bảo dưỡng tàu bay tuân thủ nghiêm túc việc bảo đảm an toàn trong quá trình bảo dưỡng, bảo quản dừng bay.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không (người khai thác tàu bay) báo cáo Cục Hàng không Việt Nam các nội dung thực hiện trước khi đưa tàu bay trở lại khai thác (sau bảo dưỡng, bảo quản dừng bay) trong thời gian 48 giờ trước chuyến bay đối với tàu bay bảo dưỡng, bảo quản dừng bay trên 1 tháng.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc hoặc các đề xuất, cần kịp thời báo cáo về Cục Hàng không Việt Nam xem xét, giải quyết.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động hàng không dân dụng trên cả nước. Các hãng hàng không nội địa của Việt Nam là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay.
“Hoạt động khai thác tàu bay giảm và tỷ lệ tàu bay đỗ qua đêm tiếp tục tăng, đặc biệt là nhu cầu đỗ qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất (các cảng hàng không có cơ sở bảo dưỡng tàu bay của các hãng hàng không),” ông Đinh Việt Thắng nhìn nhận.
Vì thế, Cục Hàng không Việt Nm đã phải yêu cầu cần tối ưu hóa chỗ đỗ máy bay, trong đó bố trí đỗ trên các đường lăn đang đóng cửa, đường lăn ít sử dụng, thậm chí tính đến cả việc nghiên cứu cả phương án bố trí máy bay đỗ qua đêm trên đường băng.
Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, số tàu bay của các hãng đến thời điểm hiện tại là khoảng 230 tàu, tăng 24 tàu so với năm 2019, tương ứng tăng khoảng 10% đội tàu bay.