Công an tỉnh Điện đang điều tra, làm rõ vụ việc chị C.T.U. (24 tuổi, trú tại xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) bị tố cáo đã "bùng" 150 mâm cỗ cưới của một nhà hàng trên địa bàn.
HTheo đó, sau khi đặt nhà hàng làm 150 mâm cỗ với giá tiền 1.350.000 đồng/mâm cho đám cưới của mình rồi "bỏ bom", C.T.U đã trốn khỏi địa bàn nên cơ quan công an đã phải cử lực lượng tìm kiếm. Đến tối 1/10, cơ quan công an đã tìm thấy chị này khi đang ở gần biên giới ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Nếu hành vi chỉ dừng lại ở việc đặt cỗ cưới nhưng không đến ăn hoặc không trả đủ tiền thì đây là quan hệ dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân của sự việc là đối tượng này muốn chiếm đoạt tài sản khác mà đã giao dịch với nạn nhân trước đó.
Không chỉ vậy, C.T.U còn đang nợ tiền, tài sản và nhận thực phẩm của nhà hàng nhưng không có ý định trả lại. “Bởi vậy, việc đặt cỗ nhưng không đến ăn tuy không cấu thành một tội độc lập nhưng đây cũng là thủ đoạn gian dối, thể hiện mục đích chiếm đoạt những thực phẩm mà đối tượng này đã nhận trước đó", luật sư Đặng Văn Cường nói.
Theo ý kiến của một số luật sư, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ý thức chủ quan của đối tượng này. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, đã nhận tài sản của nạn nhân thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Làm rõ hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và có thể tạm giam đối tượng này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự - BLHS năm 2015.
"Số tiền 150 mâm cỗ không phải là tài sản mà đối tượng chiếm đoạt nhưng đó là tài sản gây thiệt hại nên đối tượng này phải bồi thường; còn những thực phẩm mà đối tượng này đã nhận được trước đó, từ những thủ đoạn gian dối thì có thể xác định đó là tài sản bị chiếm đoạt, là cơ sở xác định khung, khoản hình phạt theo quy định tại điều 174 BLHS năm 2015", luật sư Cường thông tin.
Còn theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), việc C.T.U đặt 7 mâm cơm đã có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra có thể xem xét truy cứu C.T.U theo quy định tại Điều 174 BLHS.
Đối với việc "bùng" 150 mâm cỗ, luật sư Thơm đánh giá cơ quan chức năng cần xem xét thêm các động cơ khác như tư thù, mâu thuẫn kinh doanh hoặc có ai đó xúi giục đặt cỗ.
Đối với số tiền mà nhà hàng Tâm Phúc đã bỏ ra để làm cỗ và dựng rạp, các luật sư có cùng quan điểm cho rằng đó là khoản nhà hàng bị thiệt hại. Do đó, C.T.U có trách nhiệm phải bồi thường.
Một số ý kiến cho rằng, nếu trong quá trình xác minh tin báo thấy đối tượng có dấu hiệu bị tâm thần, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định tâm thần để xác định mức độ, khả năng nhận thức trước, trong và sau thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng này chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức nhưng hành vi cấu thành tội phạm thì vẫn xử lý theo quy định của pháp luật nhưng sẽ cân nhắc khi lượng hình.
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 1, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.