Giải cứu nông sản Hải Dương đang trở thành “nhiệm vụ” nóng của cộng đồng mạng trong giai đoạn tiêu thụ nông sản gặp khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành, cà rốt; rau xanh như bắp cải, xu hào, súp lơ, rau ăn lá cần được tiêu thụ.
Trước tình hình này, một số cá nhân đã đứng ra kêu gọi mọi người mua ủng hộ, gom các đơn và chuyển đến Hà Nội. Ổi Thanh Hà chỉ 50.000 đồng/10kg, su hào 40.000 đồng/20 cái, bắp cải 35.000 đồng/10kg, cà rốt 70.000 đồng/10kg hay cà chua 10kg cũng chỉ có giá 50.000 đồng...
Trên nhiều trang cá nhân, nhiều nhóm Facebook chia sẻ thông tin về các điểm bán nông sản, nêu rõ từ nguồn gốc sản phẩm đến giá bán, giá giao hàng tận nơi, điện thoại liên hệ... để người dân có thể dễ dàng tham gia “giải cứu” nông sản giúp nông dân vùng dịch.
Để tránh tiếp xúc, ở nhiều điểm “giải cứu”, người bán đã chia sẵn nông sản theo các túi 5kg, người mua chuẩn bị sẵn tiền lẻ để cho vào hòm. Việc mua bán không tiếp xúc trực tiếp.
Tại Hải Dương, chính các bạn thanh niên tình nguyện cũng tham gia vào việc giải cứu nông sản đang ùn ứ của địa phương.
Trên facebook bạn Bùi Duy Hiếu cho biết trong ngày 20/2 đã giúp nông dân tiêu thụ 3 tấn ổi Thanh Hà. Thông qua thông tin của Hiếu, nhiều bạn trẻ cũng cho biết ở nhiều vùng khác của Hải Dương còn ùn ứ cà chua, xu hào cần giải cứu.
Trên trang Facebook cá nhân, một bạn trẻ chia sẻ “Là những người trẻ tuổi, khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện, chúng tôi sẵn sàng biến tình yêu của mình thành hành động.”
Không chỉ có Hải Dương, thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, dịch COVID-19 cũng đã làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ nhiều các mặt hàng nông sản đang vào vụ thu hoạch của một số địa phương trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang. Cùng với các giải pháp của cơ quan chức năng, sự chung tay của cộng đồng có lẽ cũng phần nào hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh nông sản, đồng thời duy trì chuỗi cung ứng cho các sản phẩm nông sản trong nước.