Huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 116ha rau các loại với sản lượng khoảng 4.400 tấn, chủ yếu là bắp cải, su hào, súp lơ, rau gia vị. Tuy nhiên, dịch COVID-19 việc tiêu thụ các mặt hàng này đang rất khó khăn.
Chiều 19/2, ông Phạm Văn Xô, trú tại thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ ngồi bên bờ ruộng buồn bã nhìn ra 7 sào su hào đã quá ngày thu hoạch mà không có thương lái về thu mua. Thông thường, giá thời điểm thấp nhất gia đình ông Xô cũng có lãi khoảng 5-6 triệu đồng/sào. Thế nhưng năm nay, lứa xu hào này không bán được, ông Xô thiệt hại không dưới 20 triệu đồng. Không riêng ông Xô, đây cũng là tình cảnh chung của nhiều người trồng rau màu ở các nơi trong huyện như Ngọc Kỳ, Đại Sơn, Nguyên Giáp.
Bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tứ Kỳ cho biết: Những ngày qua, Huyện đã liên hệ với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gửi danh sách các hợp tác xã, nông dân để kết nối với các doanh nghiệp của thành phố Hà Nội; chủ động kết nối với các đơn vị thu mua nông sản an toàn ở trong tỉnh, các đơn vị bếp ăn trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp lớn trong tỉnh… Trong hai ngày 18-19/2, khoảng 40 tấn rau, củ đã được thu mua. Với một số diện tích nông dân ủng hộ vùng cách ly, huyện huy động nhân lực thu hoạch và vận chuyển.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương, hiện tỉnh còn khoảng khoảng 4.000ha rau vụ đông đang đến thời điểm thu hoạch với sản lượng ước khoảng 90.000 tấn. Trong đó, có trên 55.000 tấn hành củ, khoảng 26.000 tấn cà rốt và khoảng 8.000 tấn rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại. Tuy nhiên, lo ngại trước diễn biến dịch COVID-19, thời gian qua một số địa phương đã không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải ở các chốt giáp ranh. Khó khăn trong vận chuyển nên nhiều doanh nghiệp đã không về vùng nguyên liệu để thu mua nông sản cho nông dân Hải Dương, thậm chí cả những doanh nghiệp đã bao tiêu từ đầu vụ.
Tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh có cửa khẩu quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan cho phép phương tiện, tài xế chở hàng hóa từ Hải Dương đi lại để kịp thời tiêu thụ, thông quan xuất khẩu.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cũng có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các ngành liên quan yêu cầu đảm bảo việc tổ chức sản xuất nông nghiệp diễn ra bình thường. Người dân trong quá trình sản xuất đảm bảo quy đinh "5K" của Bộ Y tế.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm hướng dẫn và giám sát việc đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch và tổ chức sản xuất.
Bên cạnh những giải pháp tháo gỡ từ cơ quan chức năng, nhiều tổ chức đoàn thể cũng tích cực vào cuộc để giúp người nông dân. Hưởng ứng chủ trương của Hội Nông dân huyện Tứ Kỳ, chiều 19/2, hàng chục hội viên Hội Nông dân các xã Bình Lãng, Chí Minh đã tới cánh đồng thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo để thu hoạch su hào, bắp cải giúp nông dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chí Minh cho biết: "Hôm nay, chúng tôi huy động 20 hội viên tới thu hoạch giúp và cũng hỗ trợ một phần kinh phí cho chủ ruộng, tuy không nhiều nhưng bù đắp phần nào thiệt hại cho bà con. Kinh phí cho hoạt động này chúng tôi trích từ kinh phí của Hội và sự ủng hộ của một số Mạnh Thường Quân". Rau củ sau khi được thu hoạch sẽ được chở đến ủng hộ cho các điểm cách ly tập trung, một phần hỗ trợ người dân địa phương.
Tại thị xã Kinh Môn, nơi có khoảng 4.600ha rau vụ đông, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ các xã, phường đã huy động hội viên vừa thu hoạch vừa bán giúp nông sản cho các gia đình trong khu cách ly, phong tỏa.
Theo chị Lê Thị Chinh, Chủ tịch Hội phụ nữ thị xã Kinh Môn, Hội Phụ nữ thị xã đã chỉ đạo các cơ sở hội phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau trong mùa dịch. Trên cơ sở thống kê danh sách các hộ dân bị cách ly, phong tỏa, các hội viên luân phiên nhau giúp thu hoạch và bán giúp rau cho những gia đình này.
Thông qua nhóm zalo và fanpage của 25 cơ sở hội, chị em cán bộ hội thông tin tình hình các địa phương, kêu gọi phát động hội viên mua ủng hộ. Thực tế những ngày qua cho thấy đây là một kênh khá hiệu quả, tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho các mặt hàng rau vụ đông như bắp cải, súp lơ, su hào, rau ăn lá. Riêng ngày 30 Tết, Hội Phụ nữ phường Hiến Thành đã thu hoạch và bán giúp khoảng 4.000 cái bắp cải cho nông dân trong các vùng có dịch.
Đối với hành tỏi hiện đang vào cao điểm thu hoạch để kịp giải phóng đất cho vụ cấy lúa chiêm xuân nên để giúp đỡ cho các gia đình trong vùng cách ly, phong tỏa không có nhân lực, mấy ngày nay, các cơ sở hội đã huy động hội viên thu hoạch cả ban đêm để kịp tiến độ thời vụ sản xuất lúa. Ban ngày, các chị em thu hoạch cho vườn nhà. Ban đêm, các chị em từng đoàn thắp đèn ra đồng thu hoạch giúp các gia đình khác.
Tỉnh đoàn Hải Dương cũng đang triển khai chuỗi hoạt động giải cứu nông sản cho nông dân các địa phương trong tỉnh. Hai ngày nay, Tỉnh đoàn đã kết nối doanh nghiệp, huy động đoàn viên thanh niên hỗ trợ thu hoạch nông sản cho nông dân huyện Tứ Kỳ và Kim Thành. Ngày 18/2, khoảng 10 tấn nông sản đã được thu hoạch và phân phối đến các khu cách ly.
Theo anh Nghiêm Xuân Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hải Dương, những ngày tới, Tỉnh đoàn cố gắng kết nối thêm với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thu mua nông sản giúp người dân và kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phương tiện vận chuyển.
Để tạo thuận lợi cho việc chở nông sản, ngày 19/2, Sở Công Thương Hải Dương đã có văn bản đề nghị các chốt kiểm soát tạo điều kiện lưu thông cho đội xe tình nguyện của Tỉnh đoàn đi thu mua nông sản giúp nông dân trong tỉnh, với điều kiện lái xe và người đi cùng phải áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.
Chia sẻ với nông dân Hải Dương, mới đây, một số cá nhân là người Hải Dương đang sinh sống ở Hà Nội cũng đã thông qua mạng xã hội, đứng ra kêu gọi cộng đồng chung tay giải cứu nông sản cho nông dân Chí Linh đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, các cá nhân này sẽ tổng hợp số lượng và báo về đầu mối là các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Sau khi được thu gom, hàng sẽ được vận chuyển đến tay người tiêu dùng đảm bảo đúng quy trình phòng dịch.