Tạo đột phá trong kiểm soát an toàn thực phẩm

Việc sản xuất, tiêu thụ và quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi góp phần tạo bước đột phá trong kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), để đẩy mạnh việc này, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến thị trường tiêu thụ đối với những sản phẩm đó.

 

´Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn?


Việc xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn “từ trang trại đến bàn ăn” đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Quản lý theo chuỗi không chỉ đáp ứng nguyện vọng, đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe nhân dân, ổn định tâm lý người tiêu dùng yên tâm mà còn nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.


Đồng thời, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi giúp nâng cao hiệu quả quản lý về an toàn thực phẩm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý an toàn thực phẩm lâu nay ở nước ta.


Quản lý theo chuỗi còn giúp các cơ quan quản lý chủ động trong việc đánh giá và cảnh báo nguy cơ, giúp truy xuất nguồn gốc, sẽ khắc phục nhanh nếu có xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm. Đồng thời xác định các mắt xích còn yếu trong chuỗi để tập trung nguồn lực khắc phục kịp thời, hiệu quả. Từ đó, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu nông sản Việt Nam, giữ vững, mở rộng thị trường xuất khẩu, bảo đảm uy tín cạnh tranh và phát huy thế mạnh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.


Quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi là một hướng đi đúng, là một giải pháp cơ bản nhằm thực hiện Chiến lược về an toàn thực phẩm ở Việt Nam.


´Để thực hiện quản lý theo chuỗi ở nước ta, hiện nay gặp những khó khăn, thách thức và giải pháp nào, thưa ông?


Đối với Việt Nam, việc quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi vẫn còn là một vấn đề mới. Nhận thức của người tiêu dùng, của doanh nghiệp đối với chuỗi thực phẩm an toàn còn rất hạn chế. Một thách thức nữa là những tồn tại yếu kém trong quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua đã làm giảm sút lòng tin của người tiêu dùng. Các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển chuỗi thực phẩm an toàn ở nước ta còn thiếu, chưa đồng bộ.


Trong khi đó, tình trạng sản xuất ở nước ta hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ và sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Khả năng cung ứng một số lượng lớn các sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm ổn định còn yếu. Việc quản lý an toàn thực phẩm liên quan đến nhiều bộ, ngành, cơ quan và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế.


Vì vậy Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, đặc biệt quan tâm đến thị trường. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, cần tiến hành đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hợp tác quốc tế trong phát triển mô hình quản lý chuỗi thực phẩm an toàn. Cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người sản xuất và người tiêu dùng, người quản lý về chuỗi thực phẩm an toàn. Tăng cường truyền thông để tạo dựng và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với chuỗi thực phẩm an toàn. Một giải pháp quan trọng nữa là phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn để quản lý, chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn.


Xin cảm ơn ông!

Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn “từ trang trại đến bàn ăn” là một giải pháp vừa giúp các cơ quan chức năng cải thiện việc quản lý chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, đồng thời cũng góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN