Do diện tích đất canh tác ít, thiếu vốn, kỹ thuật sản xuất lạc hậu, nên nhiều năm liền gia đình chị H’Bóp Ayun vẫn không thoát khỏi cái nghèo đeo bám. Năm 2008, chị H’Bóp Ayun đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar được 7 triệu đồng. Với số tiền này, chị H’Bóp Ayun đã cân đối chi tiêu mua thêm phân bón chăm sóc vườn cà phê và mua 2 con dê giống về nuôi. Nhờ cần mẫn chăm sóc sau 1 năm, 2 con dê giống đã sinh sản thêm được 4 con dê con, vườn cà phê được chăm sóc cũng đã xanh tốt trở lại. Đến nay, gia đình chị H’Bóp Ayun đã thoát nghèo, chị còn gây dựng được đàn dê giống gần 20 con, thu nhập ổn định mỗi năm hàng chục triệu đồng.
Chị H’Bóp Ayun (thứ 2, từ phải sang) phổ biến kỹ thuật chăn nuôi cho chị em trong buôn. |
Khi đã thoát nghèo, chị H'Bop đã cho các gia đình hộ nghèo trong buôn mượn một cặp dê giống về nuôi, sau khi dê sinh sản, các hộ trả lại dê giống cho chị và giữ lại dê con để nuôi. Việc làm này đã giúp nhiều hộ phụ nữ dân tộc thiểu số trong buôn Huk A có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Chị H'Bru Niê, buôn Huk A cho biết: “Tôi biết ơn H’Bóp nhiều lắm! Gia đình tôi từ chỗ không có con dê nào, đến nay đã có 10 con dê lớn nhỏ; vừa có dê để nuôi, vừa có dê để bán trang trải cuộc sống, lo cho các con đi học, gia đình tôi ai cũng vui”.
Chị H'Bop Ayun còn thường xuyên đến từng hộ gia đình để hướng dẫn kỹ thuật cho dê ăn như thế nào để đỡ tốn thức ăn và làm sao để bảo đảm vệ sinh chồng trại cũng như bảo quản thức ăn cho dê. Đối với hộ khó khăn không có tiền làm chuồng, thiếu vốn chăm sóc cây cà phê, chị H'Bop Ayun còn cho vay tiền không lấy lãi để chị em làm kinh tế.
Từ năm 2012 đến nay, chị H’Bóp Ayun đã cho hơn 20 hộ vay dê giống làm kinh tế, trong đó có 7 hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị H’Bóp còn đứng ra làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cho 54 hộ phụ nữ dân tộc thiểu số vay vốn, với số dư nợ trên 1,3 tỷ đồng.